Cần sớm làm đường vào khu sản xuất

KHẢI KHIÊM 13/07/2023 04:19

Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với vùng nguyên liệu của Đông Giang rất lớn, cần được chú trọng đầu tư, tạo thuận lợi trong sản xuất của người dân.

Tuyến đường vào khu sản xuất ở thôn A Dinh mới chỉ dừng lại ở đầu tư mặt đường cấp phối đá dăm. Ảnh: K.K
Tuyến đường vào khu sản xuất ở thôn A Dinh mới chỉ dừng lại ở đầu tư mặt đường cấp phối đá dăm. Ảnh: K.K

Triển khai đề án phát triển vùng sản xuất, vùng nguyên liệu gắn với các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đông Giang đã tổ chức thực hiện tại thôn A Dinh (thị trấn Prao). Mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành bước đầu, khi đến nay đã quy hoạch trồng được các loại đinh lăng, chè dây, ba kích và keo nguyên liệu.

Người dân đồng tình ủng hộ hiến đất, bỏ vốn mua giống vận chuyển trồng mới và chăm sóc tốt rừng trồng. Huyện Đông Giang cho biết, riêng thôn A Dinh hiện có hơn 250ha rừng sản xuất keo lấy gỗ, 35ha quế, 15ha chè dây, 7ha ba kích tím và 8ha đinh lăng với hơn 100 hộ tham gia trồng, chăm sóc.

Tuy nhiên, con đường chạy qua địa phận A Dinh vào vùng nguyên liệu chưa được đầu tư kiên cố, mà là đường mòn nên lầy lội vào mùa mưa. Vì vậy, việc đi lại sản xuất, thu hoạch sản phẩm làm ra rất khó khăn nhưng thu nhập thấp, không đúng với công sức bỏ ra cũng như giá trị của sản phẩm.

Thực hiện Quyết định số 4190 ngày 24/12/2019 của UBND tỉnh, Đông Giang chọn tuyến đường vào khu sản xuất thôn A Dinh để triển khai thí điểm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn miền núi.

Tổng chiều dài tuyến 3km; nền đường rộng 5m; bề mặt đường cấp phối đá dăm dày 15cm. Tổng mức đầu tư dự án gần 15 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 9,9 tỷ đồng).

Công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho người dân đi lại sản xuất. Ô tô tải đến tận nương rẫy thu mua sản phẩm nên bán được giá, nâng cao thu nhập của nhân dân.

Một người dân cho biết, một héc ta keo trước đây bán ra chỉ 30 - 40 triệu đồng; từ ngày có đường, xe vận chuyển đi tới nơi nên mua 50 - 60 triệu đồng/ha. Đường mở rộng, người dân dễ dàng vận chuyển giống cây trồng đến nương rẫy, do đó diện tích cây trồng tăng nhanh. Nhưng qua ghi nhận thực tế, mặt đường bằng đá cấp phối đã trở nên gồ ghề sau thời gian đưa vào sử dụng, nhiều chỗ nền bị xói sâu do tác động của mưa lũ.

Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho biết, thực trạng nền và mặt đường nêu trên là đúng thực tế. Nguyên do là công trình mới đầu tư phần nền đường, mặt đường chưa được kiên cố hóa bằng bê tông xi măng.

Huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh quan tâm bố trí vốn hỗ trợ kiên cố hóa mặt đường để khai thác tối đa hiệu quả đầu tư; nếu không sẽ bị hư hỏng, sạt lở nặng nề vào mùa mưa bão.

Huyện cũng mong tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển vùng sản xuất đến năm 2025. Vì hiện nay, nhu cầu phát triển vùng nguyên, dược liệu trên địa bàn huyện rất lớn. Tuy nhiên, việc đi lại sản xuất, vận chuyển giống, phân và sản phẩm khai thác hết sức khó khăn do hạ tầng giao thông kém.

KHẢI KHIÊM