Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ nhà ở cho người có công
(QNO) - Giai đoạn 2019 - 2022, HĐND tỉnh có cơ chế hỗ trợ xây mới, sửa chữa 15.416 nhà ở cho người có công với cách mạng, gồm xây mới 4.693 nhà và sửa chữa 10.723 nhà.
Trong đó, ưu tiên số đối tượng người có công cần hỗ trợ nhà ở đã được phê duyệt danh sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa thực hiện được khi chương trình đã kết thúc, bằng nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh và nguồn đối ứng của các địa phương.
Linh hoạt cách thức hỗ trợ
Sau 4 năm (2019 - 2022) triển khai cơ chế hỗ trợ của HĐND tỉnh theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết 15, tổng số nhà đã thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng là 12.511 nhà (xây mới 3.417 nhà, sửa chữa 9.094 nhà), đạt 81,2% so với kế hoạch đề ra.
Trong đó, số nhà hoàn thành đưa vào sử dụng và đã được hỗ trợ kinh phí thực hiện là 12.254 nhà, đạt 98% so với tổng số nhà hoàn thành. Số đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí là 257 nhà, chiếm 2% so với tổng số nhà hoàn thành. Số nhà chưa triển khai thực hiện là 2.905 nhà (xây mới 1.276 nhà, sửa chữa 1.629 nhà), chiếm 18,8% so với danh sách được phê duyệt.
Kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, trong quá trình thực hiện, để phù hợp với nguyện vọng, điều kiện kinh phí của gia đình đối tượng được hỗ trợ và thực trạng nhà ở tại thời điểm triển khai, các địa phương đã chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ sửa chữa sang xây mới, từ xây mới sang sửa chữa nhưng không vượt tổng nguồn kinh phí hỗ trợ theo nghị quyết.
Theo đó, 4 năm qua (2019 - 2022), số nhà được điều chỉnh từ xây mới sang sửa chữa là 231 nhà, từ sửa chữa sang xây mới là 193 nhà.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu cho biết đã khảo sát thực tế 36 hộ gia đình người có công tại 4 địa phương. Trong đó, có 29 nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đã hỗ trợ kinh phí; 3 hộ trong danh sách phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện; 1 hộ đã được phê duyệt, khởi công trong năm 2022 hoàn thành sang năm 2023 nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí...
Các nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, diện tích và tiêu chuẩn nhà ở theo quy định. Một số hộ gia đình xây mới rất kiên cố, quy mô khá lớn, có giá trị khoảng 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, điển hình như tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), xã Tam Phước (Phú Ninh), phường An Xuân (Tam Kỳ)… Đối với huyện miền núi như Nam Giang, nhà xây mới có giá trị khoảng 80 đến dưới 300 triệu đồng.
Công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết 15 trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực. Một số địa phương tỷ lệ đạt cao như Tây Giang (100%), Bắc Trà My (97%), Phước Sơn (95%), Nam Trà My (94%), Tam Kỳ (93%). Công tác nghiệm thu hoàn thành và giải ngân đảm bảo tiến độ, chặt chẽ theo quy định.
“Qua giám sát cho thấy, chính sách đã tạo động lực, chất xúc tác khích lệ các hộ gia đình người có công quyết tâm tranh thủ lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ với kinh phí của gia đình, tộc họ, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để xây mới, sửa chữa, cải thiện nhà ở.
Từ đó, khắc phục tình trạng nhà ở xuống cấp, hư hỏng, tạo sự phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện tốt các chính sách cho người có công địa bàn tỉnh” - bà Thu đánh giá.
Tính từ năm 2013 đến 2022, tổng số gia đình người có công cách mạng được hỗ trợ nhà ở đã được phê duyệt là 42.769 nhà.
Bố trí đủ kinh phí thực hiện
Tại báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh cũng chỉ ra các hạn chế, vướng mắc trong thực hiện cơ chế hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, ở một số địa phương, công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết còn thiếu tập trung, chưa thực sự quyết liệt; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thiếu kịp thời, chưa đầy đủ về điều kiện, tiêu chuẩn, thứ tự ưu tiên được hỗ trợ, còn tình trạng nể nang, dẫn đến việc xét chọn một số đối tượng ưu tiên theo lộ trình chưa hợp lý.
Quá trình thống kê, rà soát đối tượng tại một số nơi còn xảy ra tình trạng thiếu sót, trùng lắp đối tượng sau khi phê duyệt. Còn những trường hợp không nằm trong danh sách phê duyệt song vẫn tiến hành sửa chữa, xây mới nhà ở, sau đó kiến nghị được hỗ trợ chính sách nhưng địa phương không giải quyết dứt điểm các trường hợp này.
Tiến độ triển khai chậm, chưa đạt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, toàn tỉnh còn 2.905 nhà trong danh sách phê duyệt chưa được triển khai, trong khi nhu cầu rất bức thiết, nhất là hộ già cả, neo đơn, khó khăn... Địa phương còn số lượng lớn nhà ở chưa được triển khai như Quế Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Phú Ninh, Đông Giang, Hiệp Đức.
Qua 4 năm triển khai, ngân sách tỉnh đã bố trí cho các địa phương là 280 tỷ đồng (đạt 81%); trong đó, đã giải ngân 267,944 tỷ đồng (95,7%), kinh phí các địa phương không giải ngân hết đã trả lại ngân sách tỉnh là 12,506 tỷ đồng (4,3%). Ngân sách cấp huyện đã bố trí đối ứng là 45,266 tỷ đồng (đạt 80,7%).
Tổng kinh phí cần tiếp tục bố trí cho các địa phương có nhà ở trong danh sách phê duyệt đã triển khai thực hiện nhưng chưa được hỗ trợ là 5,794 tỷ đồng, tương ứng với 257 nhà đã khởi công và hoàn thành trong năm 2022, 2023. Trong đó, ngân sách tỉnh cần bổ sung cho các địa phương 4,603 tỷ đồng; ngân sách huyện tiếp tục bố trí đối ứng khi ngân sách tỉnh cấp bổ sung là 1,191 tỷ đồng.
Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị đối với Trung ương, UBND tỉnh và cấp huyện nhằm thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho người có công thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay còn khoảng 8.717 nhà (xây mới 2.982 nhà, sửa chữa 5.735 nhà). Trong đó, số nhà ở chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết 11, Nghị quyết 15 là 2.789 nhà.
Bà Trần Thị Bích Thu đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Nghị định số 131 ngày 30/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (Nghị định 131) để tiếp tục hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng người có công.
Đối với UBND tỉnh, quan tâm chỉ đạo các địa phương tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê đối tượng chính sách, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn toàn tỉnh khi Trung ương có hướng dẫn thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 131. Trong đó, cần ưu tiên đối tượng thuộc danh sách phê duyệt được hỗ trợ theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết 15 nhưng đến nay chưa triển khai.
“Để giải quyết dứt điểm 257 nhà ở trong danh sách phê duyệt đã hoàn thành nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra, bố trí đủ kinh phí cho các địa phương để hoàn thành hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.
Đồng thời, thông tin cụ thể cho các gia đình đã khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở trong năm 2023 nằm trong danh sách phê duyệt cũng như các hộ không thuộc đối tượng của nghị quyết nhưng đã thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở sẽ không được hỗ trợ theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết 15, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng kiến nghị ở các địa phương như vừa qua” - bà Thu phát biểu.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đề nghị UBND tỉnh cân đối nguồn lực để bố trí hỗ trợ đối với 257 nhà ở trong danh sách phê duyệt đã hoàn thành nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí. Toàn tỉnh cố gắng đến năm 2025 giải quyết xong việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa khoảng 8.717 nhà ở cho người có công bằng nhiều nguồn lực khác nhau.