Những ngày phố trở mình
Cho đến khi những thương tổn của đô thị không còn âm ỉ, vô hình mà dần trở nên ầm ào, khốc liệt thì người ta mới nhận ra “sức khỏe” của phố lắm lúc cũng mong manh biết bao…
Vết thương của phố
Lâu nay đã có nhiều sự ca thán và tiếc nuối của những người từng ngang qua hay yêu mến Đà Lạt về sự thay đổi chóng vánh của vùng cảnh quan cũng như khí hậu của thành phố mù sương này.
Và vụ sạt lở nghiêm trọng vào rạng sáng 29/6 vừa qua nơi phố núi càng khiến người ta thảng thốt, đặt dấu hỏi về “sức đề kháng” nơi đô thị Đà Lạt của hiện tại. Những hiểm họa tương tự có lẽ vẫn còn rình rập, tiềm ẩn đâu đó trong lòng thành phố khi mà những cánh rừng thông thơ mộng cứ ngày một lùi xa hơn trung tâm Đà Lạt…
Một thời chưa xa đầu thế kỷ 21, những cánh rừng dương liễu mênh mông phía biển Cửa Đại (Hội An) cũng đã phải lùi dần vào ký ức của cư dân xứ biển khi những chộn rộn của đô thị hóa tiến đến.
Khi những “người bạn” trăm năm rời đi, không quá lâu sau đó sóng gió trùng khơi đã mang đến sự đáp trả khô khốc để rồi hàng chục năm nay bãi biển Cửa Đại vẫn mang tổn thương âm ỉ, dù qua thời gian đã có hàng trăm tỷ đồng được đổ ra chỉ mong bãi biển trở về với nguyên trạng ngày phố chưa trở mình.
Từ phố núi đến phố biển, sự xâm lấn vô hình lẫn hữu hình của con người ngày càng khiến các tế bào xanh của phố co hẹp. Ai cũng biết sự quan trọng của chúng với phố thị nhưng khi đặt lên bàn cân để toan tính thiệt hơn, không dễ gì những thực thể này được đánh giá đúng giá trị của mình. Và cứ thế, thi thoảng người ta lại xót xa, tiếc nhớ khi hay tin ở một góc phố nào đó khe khẽ trở mình…
Giải pháp thuận tự nhiên
Quay lại câu chuyện Cửa Đại, nguyên lãnh đạo TP.Hội An từng nhìn nhận rằng nếu có tầm nhìn xa hơn ở thời đó, địa phương sẽ cấp phép cho các dự án du lịch triển khai ở phía bên kia đường thay vì mọc lên san sát ngay bên mép bãi biển như hiện trạng. Có thể cảm thông phần nào khi những quyết định đó đã diễn ra ở thời điểm biến đổi khí hậu còn là khái niệm xa lạ.
Theo dự thảo Quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Hội An sẽ mở rộng đô thị hóa về phía tây, còn ở khu vực phía đông sẽ có khung quản lý, quy định không gian xây dựng để tái tạo toàn bộ đường bờ biển.
Trong chiến lược phát triển đô thị, về chiến lược phát triển hệ sinh thái, Hội An xác định bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn dừa nước, thảm thực vật ven sông, hạn chế đô thị hóa, duy trì nông nghiệp và phát triển các hành lang sinh thái kết hợp giáo dục và công viên cảnh quan trên các đảo, bờ sông.
Theo TS. Nguyễn Huy Dũng - chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới, với kịch bản biến đổi khí hậu cao, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm vào năm 2050, mức độ rủi ro do lũ của khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng 7%, ảnh hưởng đến thêm 4,5 triệu người ở khu vực ven biển nước ta.
Nếu chậm triển khai các hoạt động cân bằng giữa rủi ro và cơ hội phát triển khu vực ven biển thêm 10 năm thì nền kinh tế khả năng sẽ phải chịu thiệt hại thêm khoảng 4,3 tỷ USD do thiên tai.
TS. Nguyễn Huy Dũng nhận định, dòng sông Trường Giang sẽ có tác động lớn đến sự phát triển hiện hữu cũng như chuỗi đô thị hình thành trong tương lai ở vùng đông Quảng Nam. Do đó, cần có giải pháp dựa vào thiên nhiên để biến dòng sông đang bị tác động xã hội can thiệp nặng nề trở nên trù phú về kinh tế, sinh thái lẫn văn hóa - xã hội.
Trong đó, nhà quản lý không chỉ chú trọng tìm phương án chống ngập cho khu vực được quy hoạch phát triển mà cần tìm cơ hội phát triển hợp lý ở vùng ngập lũ bằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên.
Ngược về phía núi, sau những ám ảnh sạt lở, tỉnh cũng đã xác định hạn chế rủi ro thông qua việc quy hoạch mạng lưới thị trấn ở quy mô diện tích lẫn dân số vừa phải. Tất nhiên, câu trả lời về hiệu quả cho những hoạch định này vẫn phải chờ thời gian.
Phố thị dù có phồn hoa đến mấy cũng không thể tách khỏi và chỉ có thể tồn tại, phát triển trên nền tảng hệ sinh thái tự nhiên.