Vẻ đẹp Huế trong mắt mẹ
Lần đầu tiên mẹ tôi đặt chân đến Huế, mẹ không so sánh Huế với bất kỳ điểm du lịch nào bà từng đến, mà chỉ hỏi ngược lại: “Không đẹp sao gọi là Huế?” khi tôi hỏi cảm nhận của mẹ về nơi này...
Thật ra, Huế trong mường tượng lúc đầu của mẹ cũng chỉ là vùng đất “đầy xe cộ và đông đúc người”. Hôm lên nhà, tôi kể với mẹ câu chuyện của vua chúa, rằng ở Huế, có “ngôi nhà của vua”, có thuyền rồng, có cả dòng sông sâu đến 9 người nối nhau ngụp lặn mà không chạm đáy… nên mẹ gật đầu đi chơi cùng con.
Trên đường ra Huế, Khu sinh cảnh Đầm Chuồn được chọn làm điểm hẹn trải nghiệm đầu tiên. Mẹ nói, lần đầu tiên trong đời được ăn ở một nơi xa đất liền, giữa mênh mông sông nước, cảm giác cứ như đang sống trên mây.
Tối hôm đó, mẹ theo chân con dâu và các cháu trải nghiệm không gian phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, khám phá các tuyến đường bằng xích lô và đi thuyền trên sông Hương thơ mộng.
Giữa phong cảnh sông nước hữu tình, giai điệu nhã nhạc cung đình Huế phát ra từ chương trình nghệ thuật biểu diễn bên trong khoang thuyền rồng khiến nhiều lữ khách say mê.
Sông Hương chính là con sông “sâu đến 9 người nối nhau ngụp lặn không chạm đáy” mà tôi nói với mẹ lần trước. Điều đó, không phải ngẫu nhiên. Ai từng đọc bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mới thấy rõ lịch sử hình thành của dòng Linh Giang (tên gọi cũ của sông Hương) gắn liền với những chiến công “ngân vang giữa màu cỏ lá xanh biếc”. Và thậm chí, còn là “rất sâu” trong tâm khảm của du khách đặt chân.
Hôm chúng tôi đến “ngôi nhà của vua” (Đại nội Huế - theo cách diễn đạt của tôi với mẹ), tôi thấy bà thích thú vô cùng. Cảm giác ấy hệt như lúc đến làng hương Thủy Xuân trên đường Huyền Trân Công Chúa (TP.Huế). Mưa rả rích cả một buổi sớm, nhưng khi vừa đặt chân đến điểm tham quan du lịch làng hương, mưa bỗng ngớt.
Tôi dắt tay mẹ vào quán hương O Tôn Nữ, chủ quán nhanh tay mời chào trang phục, cùng các đạo cụ chụp ảnh lưu niệm. Chân hương đủ sắc màu, được bài trí theo từng câu chuyện và khung cảnh làng quê cũ xưa trông rất đẹp mắt.
Ở Huế, nếu không nhắc đến ẩm thực, có lẽ là điều thiếu sót. Một tô bánh canh cá lóc, một tô bún hến hay đơn giản là một ly chè đậu… cũng đủ để cảm nhận giá trị tâm huyết của người chế biến. Hương vị ấy với Huế và cả du khách thực sự khó “nơi nào có được”.
Ngày cuối cùng ở Huế, tôi đưa mẹ đi chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa cổ nằm phía đồi cao như pháp bảo trấn giữ vùng đất linh thiêng. Ngày lễ nên du khách đến rất đông. Chúng tôi chen chân khám phá vẻ đẹp chùa tháp, vừa chụp ảnh lưu niệm, trước khi rời chân về phía du thuyền.
Tròn 10 năm xa Huế, nhưng gần như năm nào tôi cũng dành thời gian về thăm để… thỏa lòng mình. Huế bây giờ đổi thay quá nhiều. Chừng như, đất cố đô đang khoác lên mình dáng dấp của một đô thị hiện đại đầy quý phái. Nhưng, phải công nhận người Huế lưu giữ giá trị văn hóa rất tốt. Dù nhịp sống có phần hiện đại hơn nhưng cách sống vẫn không “thay đổi mấy”.
Ngày tạm biệt Huế, tôi chọn mua vài món đồ lưu niệm, tặng mẹ. Mẹ tôi thích thú với những chiếc nón lá có in nét vẽ khắc họa hình ảnh du thuyền trên sông Hương, chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền… các địa điểm vốn rất nổi tiếng của cố đô. Hôm nọ về quê, thấy mẹ đội nón lá con trai tặng đầy tự hào.
Nhìn mẹ làm tôi nhớ đến Huế, nhớ đến kỷ niệm lần đầu tiên trong đời mẹ bước chân ra khỏi làng. Huế mang đầy ký ức của con, cũng là niềm vui không thể quên của mẹ. Trong mắt mẹ, Huế rất dịu dàng…