Di tích cô đơn
Chúng tôi nghe gió rít qua những khoảng hở giữa các tòa tháp. Một không gian bàng bạc của những quạnh quẽ, hiu vắng, dù không xa cụm tháp, là xôn xao chợ búa làng quê... Thay vì tên Khương Mỹ, người dân xứ này gọi bằng Ba Tháp: Tháp Bắc - Tháp Giữa - Tháp Nam. Ngàn năm u tịch, những ngọn tháp này liệu còn nắm giữ bao nhiêu huyền tích...
Người đàn ông trung niên ở căn nhà ngay sát tòa tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) xua tay, chỉ sang những ngôi nhà bên cạnh khi chúng tôi vừa mới dạm chân đến ngõ, hỏi vài câu về di tích.
“Tôi không biết gì đâu. Cháu sang các nhà bên hỏi thử. Mà chắc họ cũng không biết. Cái này có lâu lắm rồi” - câu trả lời rớt lại cùng cái nắng chang chang hắt lên từ mặt đường bê tông, hầm hập.
1. Tường rào đã xuống cấp, đầy những cành cây gỗ vá víu lấy khoảng trống hoác từ những thanh sắt đã gỉ sét. Chúng tôi đi vòng theo tường rào, ra phía sau di tích tháp Chăm Khương Mỹ.
Cổng chính nằm đối diện với cổng một ngôi chùa, tuyệt không thấy bóng dáng nào lai vãng. Mọi thứ tương phản rõ với lối vào tòa tháp: một ngôi chợ nhỏ của người địa phương, và không xa là những ồn ã của đường tránh TP.Tam Kỳ, chỉ cách tòa tháp chừng 200 mét.
Chỉ có anh Tùng ở trong ngôi nhà bảo vệ ngay cổng tòa tháp. Anh trở dậy, phân bua rằng mới dọn cỏ xong, mệt quá nên chợp mắt một tí. “Chỉ có mình tôi thôi. Dọn cỏ, giữ không cho trâu bò vào khu vực tháp, kiêm luôn hướng dẫn cho du khách. Nói chung là đủ thứ việc, ôm hết” - anh Tùng nói.
“Có khách đến thăm không anh?”. “Cũng có, nhưng một năm chưa đến 1.000 người, mà phần nhiều là học sinh đi theo đoàn. Khách vãng lai thì có mà hiếm lắm. Trước đây một dạo cũng có bán vé, mà giờ thì hết rồi.
Chỗ này đã giải tỏa một xưởng gỗ mở đường làm bãi đậu xe, ngôi chùa trong tháp cũng di dời sang bên cạnh lâu rồi. Nhưng èo uột lắm, không có mấy người, ngoài một số nhà nghiên cứu hay ghé lại. Họ thì đã quá rành rõi về chỗ này rồi, khỏi cần hướng dẫn” - anh đưa chúng tôi đi quanh tháp, vừa đi vừa kể chuyện.
Những câu chuyện xung quanh kiến trúc, đặc điểm của tòa tháp, giá trị độc đáo lẫn kiến giải về hình thái, chức năng. “Hình như anh có nghiên cứu?”. “Nhiều. Trước đây, tôi từng làm ở trung tâm bảo tồn di tích, tham gia nhiều dự án, làm phiên dịch cho các đoàn nghiên cứu ở đây và cả Mỹ Sơn nữa. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm rồi” - anh không giấu vẻ dè dặt trong lúc chuyện trò.
Có lẽ là những e ngại về chuyện “phát ngôn”. Qua ô cửa kính ở phòng trưng bày, hình như mới vừa xây được vài năm, chỉ thấy vài phù điêu, mảnh gạch, gốm nằm dưới sàn, ít ỏi và ngổn ngang.
“Những hiện vật quý cũng có chứ, nhưng đã được đưa về bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng. Số khác thì nằm ở bảo tàng tỉnh. Khu này chưa đủ hiện vật và cũng chưa có đề cương trưng bày” - anh lý giải.
Ba tòa tháp sừng sững trong nắng. Uy nghiêm, dẫu trên thân tháp dày đặc thực vật, địa y bám đầy. Hai tòa tháp Giữa và tháp Nam vừa trải qua đợt trùng tu, dấu gạch mới như đắp hờ lên thân thể đã loang lổ những vết thương vì mưa nắng. Hơn nghìn năm rồi, gió ràn rạt thổi qua cùng bao bận mưa bão. Có thứ gì hủy diệt hơn thời gian?
“Trong khi ở Chiên Đàn thờ cả ba vị thần của Bà la môn giáo Brahma, Vishnu, Shiva thì Khương Mỹ được xây dựng để thờ riêng thần Vishnu, một điều hiếm thấy ở các khu đền tháp Chăm. Vishnu, thần Bảo hộ. Tính ra, đây là một cụm tháp đẹp, độc đáo. Nếu đúng theo quy mô di tích, sẽ phải bảo vệ nghiêm ngặt hơn, ở cả 3 vòng. Nhưng khó lắm. Quá nhiều cái khó” - anh Tùng nói.
2. Câu chuyện bảo tồn vẫn luôn đau đầu, không chỉ cho giới nghiên cứu. Khai quật nền móng, duy trì hiện trạng, tu bổ tối đa để duy trì độ ổn định về kết cấu và kiến trúc. Những dự án quá nhỏ vẫn đang “giật gấu vá vai”, quá khó để cứu chữa lấy thân thể ngày càng đầy thương tích của những ngọn tháp.
Mới đây, rộ lên chuyện “muối hóa” di tích sau bảo tồn, những ồn ào dấy lên rồi lại lắng xuống. Những vết thương trên thân thể già nua của một di tích cấp quốc gia, đặt ra thách thức lớn cho việc kiếm tìm giải pháp...
Từ khi trở thành di tích cấp quốc gia (năm 1989) đến nay, Khương Mỹ trải qua nhiều cuộc khai quật và trùng tu, nhưng hình như chưa có dự án nào đủ tầm với những giá trị mà Khương Mỹ nắm giữ.
Những câu chuyện với anh Tùng, nhân viên ở tòa tháp Chăm Khương Mỹ cho chúng tôi nhiều kiến thức hơn cả một hướng dẫn viên di tích. Chúng tôi nhìn tòa tháp, rồi lại nhìn anh, một người có khá nhiều hiểu biết về tháp Chăm đang bị “phong ấn” trong căn nhà bảo vệ nhỏ bé chỉ có một chiếc giường và cái bàn làm việc nhỏ xíu nơi cổng di tích.
Người đàn ông cô đơn trong một di tích cô đơn. Anh chỉ cười. Cái cười không biết có phải để giấu đi ít nhiều nỗi niềm sau thời gian dài gắn bó với tòa tháp vắng lặng. Ba tòa tháp ghi dấu nghìn năm, cất giữ những bí mật đến nay vẫn chưa có lời kiến giải rốt ráo...
“Phong cách Khương Mỹ” được các nhà nghiên cứu gọi tên, là một phong cách kiến trúc Chămpa. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nói, tại chân tháp Nam của Khương Mỹ, nhiều phù điêu trang trí bằng sa thạch mang tính chất của thể loại điêu khắc kể chuyện.
Chúng tôi miết tay vào những sa thạch đang còn lại đó, ít ỏi và hư hao, như đang mơ màng ngẫm lại câu chuyện giải cứu nàng Sita của chàng Rama trong Sử thi Ramayana. Như chặng đường dài chi chít dấu chân người bộ hành, quanh chân các tháp Khương Mỹ, là phù điêu hoa văn kể lại những đắm say tự hào của một nền văn minh rực rỡ.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng, nếu so sánh với những sáng tác của nghệ thuật Java cổ, thì tác phẩm của Khương Mỹ đơn giản hơn về mật độ chi tiết nhân vật và phối cảnh. Nhưng quan trọng hơn, Khương Mỹ mở ra cho các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm về nghệ thuật điêu khắc kể chuyện của người xưa.
Cũng chính điều này gợi mở về những giao thoa giữa nền văn hóa Chămpa và các nền nghệ thuật của đại lục Ấn Độ và Đông Nam Á. Khương Mỹ là một dấu gạch nối từ phong cách phù điêu rắn rỏi, mạnh mẽ, nặng về tính bố cục của Đồng Dương và những đường nét thanh thoát từ Trà Kiệu, để nghệ thuật điêu khắc của người Chăm đi đến tận cùng, là độ tinh tế và sắc sảo của từng đường nét hoa văn còn lại giữa mưa nắng ngàn năm, là những tư duy về hình ảnh đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình...
Nhưng tiếc thay, trong những loang lổ chắp nối của nhiều đợt trùng tu, từng mảng hoa văn trên gạch, thậm chí các sa thạch dưới chân tháp, cũng mất mát dần. Ông Nguyễn Thượng Hỷ - người vừa hoàn thành nhiệm vụ giám sát trùng tu dự án Khương Mỹ từ 2019 - 2022, nói, tất cả dự án trùng tu tháp Chăm, nói cho cùng, chỉ là dùng phương pháp tu bổ, gia cố, chống hư hại thêm trước các tác động của thiên nhiên đối với từng cụm tháp và chống cả nguy cơ sập tháp.
Trong khi đó, các hoa văn trên gạch của Khương Mỹ đã và đang đối diện với tình trạng hư hại trước sự mủn gạch và muối hóa di tích gốc. “Nhưng vẫn không thể nào chọn phương pháp khôi phục hoa văn bởi việc giả cầy - tức phục chế hoa văn mới từ hoa văn gốc là điều cấm kỵ trong tu bổ di tích” - ông Hỷ nói.
Với bao nhiêu cuộc khai quật, nghiên cứu bắt đầu từ năm 1989 đến nay, Khương Mỹ mỗi ngày lại hé lộ những bí ẩn khác nhau từ cả dưới lòng đất lẫn trong lòng tháp. Thế nhưng, cũng ba mươi năm trôi, Khương Mỹ vẫn quạnh quẽ như phận số một vương triều trong cuộc đổi dời của nhân gian...
Một vị lãnh đạo Sở VH-TT&DL chia sẻ, Khương Mỹ cũng như Chiên Đàn, dù là những cụm tháp không cách trở về mặt địa lý nếu muốn thu hút phát triển du lịch, nhưng bao nhiêu năm nay, nhiều dự án, nhiều cuộc bắt tay giữa các địa phương phía nam, vẫn không thể tạo ra đột phá...
Thật ra, điều cần hơn cho những di tích vô giá này, chính là phải làm sao để duy trì được độ ổn định của công trình trước thời gian khắc nghiệt, là việc tái định vị những hiện vật rơi vãi cũng như làm cách gì để câu chuyện văn hóa, nghệ thuật ẩn trong mỗi lòng tháp được truyền tải tới từng thế hệ...
Trong mơ hồ giữa những đối thoại, nghe như có tiếng thở dài của ngàn năm sa thạch...