Hiện thực hóa "khát vọng phát triển"
Nửa nhiệm kỳ đi qua với bộn bề khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố không thể dự lường. Song, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, Quảng Nam đã từng bước hiện thực hóa “khát vọng phát triển” với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả, mà động lực đến từ các nghị quyết, đề án quan trọng ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bám sát thực tiễn
Vượt qua những điều kiện bất lợi ngay từ buổi đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, liên tục các năm 2021, 2022 kinh tế - xã hội của Quảng Nam đạt được những kết quả phát triển rất lớn, dấu ấn rõ nhất là trong việc thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược. Từ đó, tạo tiền đề cho sự phát triển chung của tỉnh cả giai đoạn 2021 - 2026, với các dự báo khó lường.
“Dấu ấn của giai đoạn đầu nhiệm kỳ đến nay là đã tập trung đầu tư một số công trình giao thông lớn, mang tầm chiến lược quan trọng kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng các khu - cụm công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics, tăng số lượng và quy mô đô thị hóa, xúc tiến đầu tư được đặc biệt quan tâm.
Đối với vùng đồng bằng ven biển, Tỉnh ủy tập trung triển khai 6 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam của tỉnh theo ngành, lĩnh vực và 5 nhóm dự án về hạ tầng chủ yếu.
Cùng với đó là tập trung phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với thực hiện có hiệu quả 5 nhóm dự án quan trọng tại vùng Tây...”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)
Có được kết quả này, trên cơ sở xác định các nhiệm vụ trọng yếu để thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã tập trung bàn nhiều chuyên đề quan trọng trên các lĩnh vực.
Nhiều nhiệm vụ mang tính kế thừa, tiếp nối được sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và ban hành nghị quyết, kết luận mới thay thế cho phù hợp với chủ trương của Trung ương và tình hình thực tiễn.
Có thể kể đến các nghị quyết về phát triển vùng Đông Nam; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; cải cách hành chính; công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy đã thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề ở những lĩnh vực mới. Trong đó, đáng chú ý là việc tập trung xây dựng và phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Quảng Nam; phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao; thương mại và du lịch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai với khối lượng công việc rất lớn, đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, toàn diện trên hầu hết lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh…, với mục tiêu cuối cùng là nhằm đáp ứng tối đa các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Trên cơ sở chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề, động lực phát triển cho những năm tiếp theo.
Đổi mới phương thức lãnh đạo
Phát huy trí tuệ tập thể, sẵn sàng dừng lại để đánh giá đầy đủ các tác động, lắng nghe những ý kiến phản biện, trái chiều... là những dấu ấn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Điển hình cho những thận trọng, sự lắng nghe, có thể kể đến câu chuyện xây dựng đô thị loại 1 Tam Kỳ. Đã có những quyết tâm rất lớn cho việc thực hiện Nghị quyết 08 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, trong đó có những bước đi ban đầu khá khẩn trương.
Nhiệm vụ của nghị quyết được cụ thể hóa hơn nhiều, xây dựng mục tiêu lớn hơn, hình thành một đô thị động lực cho tỉnh và cho cả kinh tế vùng. Tuy nhiên, trước những ý kiến trái chiều lẫn lo ngại dấy lên từ thực tiễn, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các thành viên tổ công tác đang kiên trì lắng nghe, lấy ý kiến để có thể đánh giá kỹ lưỡng các tác động, đề ra những bước đi phù hợp với tình hình thực tiễn, trong bối cảnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính đặt ra nhiều yêu cầu tương đối mới.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan - Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII nói, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng được chú trọng.
Quy trình ban hành nghị quyết ngày càng chặt chẽ, có xây dựng đề án làm cơ sở lý luận ban hành nghị quyết. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp công tác; phân cấp quản lý cán bộ; trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, thẩm định, thẩm tra văn bản; công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo,... để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng bộ.
“Để các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy sớm đi vào thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động các ban chỉ đạo, tổ công tác.
Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Tỉnh ủy viên và chỉ đạo các cấp ủy tăng cường đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc họp của cấp ủy cơ sở, chi bộ thôn, tổ dân phố. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp dân, đối thoại với nhân dân.
Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm; vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp cơ bản được phát huy” - đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan chia sẻ.