Kinh tế chưa thể lạc quan
Sẽ có nhiều chỉ tiêu kế hoạch kinh tế quan trọng không thể thực hiện được khi nền kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn và chưa thoát khỏi vòng xoáy kinh tế toàn cầu suy giảm. Đó là nhận định được đưa ra và thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 (khóa XXII) khai mạc vào hôm qua 6/7.
Gồng gánh khó khăn
Trong nửa nhiệm kỳ qua (giai đoạn 2021 - 2023), thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân gần 4,1%/năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hơn 12,3% tỷ USD, tăng bình quân gần 20%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết (10%/năm).
Du lịch tăng dần đều (năm 2022 hơn 4,8 triệu lượt khách, gấp 6,8% lần năm 2021) và năm 2023 dự kiến đón 7 triệu lượt khách (tăng gần 46%). Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông lâm thủy sản hơn 3,3%/năm.
Các thống kê này dễ thấy nền kinh tế địa phương chưa đến nỗi lâm vào tình trạng “khủng hoảng trầm trọng”. Tuy nhiên, tỷ trọng của các ngành gia tăng này trong cơ cấu GRDP không lớn, không thể bù đắp được mức suy giảm của nền kinh tế địa phương.
Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho thấy khó khăn đang bủa vây nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh, đặc biệt là các ngành chủ lực như dệt may, đồ gỗ, sản xuất, phân phối điện, sản xuất, lắp ráp ô tô... Nhiều doanh nghiệp gặp khó về thị trường, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm...
Đối diện áp lực trả nợ lớn nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển nhượng. Thống kê giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ gần 91.000 tỷ đồng (chiếm 27% GRDP), tăng trưởng bình quân khoảng 1,6%/năm (ngành công nghiệp chế biến chế tạo hơn 68.000 tỷ đồng, chiếm gần 76% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp và chiếm hơn 20% GRDP).
Ô tô phụ thuộc vào chính sách bảo hộ, ưu đãi từ trung ương đến địa phương. Công nghiệp thâm dụng lao động chủ yếu gia công, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng thấp. Sản xuất thực phẩm không thể tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Năng lực doanh nghiệp địa phương yếu, dễ bị chao đảo, đánh bật khỏi thị trường khi nền kinh tế gặp khó.
GRDP năm 2022 “bất ngờ” gia tăng đến 10,3%, không thể gánh nổi sự sụt giảm của năm 2021 khi chỉ tăng 3,03% và sức mua, thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô sẽ khó tăng trưởng nên dự kiến tăng trưởng năm 2023 sẽ giảm 1,5%. Tỷ lệ này sẽ dẫn đến GRDP bình quân 3 năm chỉ khoảng 3,8%.
Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, đây là xu hướng chung của các tỉnh có giá trị công nghiệp lớn. Tốc độ tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Bắc Ninh là một ví dụ. Địa phương này có giá trị công nghiệp lớn, GRDP luôn nằm trong nhóm tốt cả nước, nhưng 6 tháng đầu năm 2023 trở thành tỉnh tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước khi giảm gần 12,6%.
Dữ liệu khác cũng cho thấy tổng thu ngân sách năm 2021 và 2022 vượt dự toán. Năm 2022, đạt mức kỷ lục trong lịch sử thu ngân sách địa phương khi thu được hơn 33,3 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng thu bình quân 2021 - 2022 hơn 13,8%. Dự kiến năm 2023 sẽ không còn những khoản tăng thu đột biến, thiếu nguồn thu mới, kinh tế khó khăn, nên thu ngân sách chỉ bằng 79,5% so thực hiện 2022.
Thống kê này chỉ ra, tổng thu ngân sách của nửa nhiệm kỳ chỉ tăng bình quân gần 5,5%/năm (thu nội địa khoảng 4,8%/năm). GRDP bình quân đầu người khoảng 76 triệu đồng/năm (tăng 13 triệu đồng so 2020), thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/năm, tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 chỉ khoảng 4,8%, thấp hơn 2,2 lần so với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018 - 2020 (tăng 10,6%).
Khó đạt kế hoạch
Các chính sách giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo động lực tăng trưởng chỉ có thể trông đợi từ Trung ương và năng lực thừa hành nhanh chóng từ phía địa phương.
Có thể thấy các yếu tố địa chính trị thế giới, nhu cầu thị trường, năng lực chống chịu của doanh nghiệp,... là những vấn đề chính quyền không thể can thiệp được thì siết lại kỷ cương công vụ, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay gia tăng tỷ lệ giải ngân là việc trong tầm tay của địa phương. Tuy nhiên, để có thể đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra là điều không dễ khi khó định lường được các diễn biến bất lợi của thị trường và nền kinh tế.
Theo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, GRDP 3 năm chỉ 3,8%, cách quá xa so chỉ tiêu 7,5 - 8% đã được ấn định ngay từ đầu nhiệm kỳ. Để có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế này, giai đoạn 2024 - 2025 phải tăng hơn 13%. Điều này sẽ rất khó thực hiện. Tốc độ tăng trưởng hai năm còn lại sẽ không cao, chỉ bình quân khoảng 9,7%.
Kế hoạch GRDP 2021 - 2025 sẽ rất khó thực hiện, chỉ có thể đạt bình quân khoảng 6,1%/năm. Kế hoạch GRDP bình quân hay thu nhập bình quân đầu người cũng sẽ không thể như kỳ vọng. Theo kế hoạch, để đạt GRDP bình quân đầu người từ 110 - 113 triệu đồng/năm thì nền kinh tế cần quy mô GRDP khoảng 170 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ước tính quy mô GRDP đến 2025 dự kiến chỉ đạt gần 80% kế hoạch. GRDP bình quân đầu người sẽ khó đạt kế hoạch, dự kiến chỉ ở mức 88 - 90 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người sẽ khó đạt đến năm 2025 là 68 - 70 triệu đồng. Ước tính chỉ sẽ từ 58 - 60 triệu đồng/năm.
Thu ngân sách cũng không ngoại lệ. Không còn phát sinh số thu đột biến và nguồn thu mới chưa phát sinh. Tỷ lệ tăng thu ngân sách 2023 - 2025 sẽ thấp hơn 2021 - 2022. Nhưng không như các chỉ tiêu sẽ khó đạt kể ở trên, chỉ tiêu thu ngân sách, dù hiện thời chỉ tăng bình quân gần 5,5%, song chính quyền, các cơ quan quản lý vẫn còn đủ lý do để có thể lạc quan về độ mở của nền kinh tế trong 2 năm tới.
Ngày 8/7/2023, Trường Hải sẽ công bố dòng xe mới (New Mazda - CX5), hy vọng thị trường ô tô lại sôi động. Cục Thống kê công bố ngay trong tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp đã có phần khởi sắc.
Nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng mới. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 6 đã tăng 23,1% so tháng trước (sản xuất động cơ tăng 74,2%). Các động năng tăng trưởng mới này sẽ tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế và thu ngân sách của địa phương.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, nếu các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án được tháo gỡ kịp thời, thương mại, du lịch, dịch vụ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh.
Các dự án đầu tư công sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công. Các chính sách giảm, giãn thuế góp phần giảm bớt chi phí đầu vào, thúc đẩy tiêu dùng. Một khi nền kinh tế có độ mở, vận hành thông thoáng hơn thì ngân sách 2024 - 2025 sẽ khả quan. Chỉ tiêu tăng 9% năm thu ngân sách sẽ không quá khó để đạt. Thu xuất nhập khẩu vượt và thu nội địa 2021 - 2025 sẽ đủ chỉ tiêu kế hoạch. Ngân sách sẽ ổn định, đủ nguồn lực để chi tiêu!