Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII: Đối diện nhiều áp lực
Nhiều câu chuyện phát triển gắn với an sinh xã hội gặp khó khăn trong triển khai thực hiện được các đại biểu đề cập tại Hội nghị lần thứ 12 của Tỉnh ủy khóa XXII, tổ chức sáng qua 6/7.
Nhiều chỉ tiêu khó đạt
Tại phiên thảo luận sáng 6/7, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng mục tiêu đặt ra đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (TNM), tương đương với 160 xã.
Trừ 5 xã của thị xã Điện Bàn đã được công nhận là phường, toàn tỉnh phải phấn đấu có 42 xã đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong số này, chỉ có 39 xã đăng ký đạt chuẩn, còn 3 xã không đăng ký dù các cấp, ngành đã nhiều lần làm việc với địa phương, thậm chí cam kết hỗ trợ từ nguồn dự phòng bổ sung 10 tỷ đồng cho các xã này.
“Đây là các xã đặc biệt khó khăn, đang được hưởng chính sách hỗ trợ từ hai chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi ngân sách hỗ trợ chương trình NTM ít hơn. Ở các xã này, tiêu chí giai đoạn sau tăng lên cao gấp nhiều lần. Mười ba xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước đang phải gồng mình, cố gắng duy trì chuẩn NTM, cho nên các địa phương này không mặn mà đăng ký về đích NTM cho các xã chưa đạt.
Ngoài ra, có một chính sách “kỳ lạ” là khi đạt chuẩn NTM, chế độ an sinh xã hội bị mất rất nhiều: BHYT, tiền ăn, tiền gạo cho học sinh, chế độ cho công chức xã, học phí cho sinh viên, ước tính khoảng 7 tỷ đồng mỗi xã/năm. Đây là thực trạng rất bất cập, chúng tôi đã báo cáo và Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh, song vẫn chưa có tiến triển gì.
Báo Quảng Nam đã nhiều lần phản ánh câu chuyện này ở các địa bàn miền núi, nhiều cán bộ công chức xin qua các xã lân cận khi xã mình đạt chuẩn NTM. Giáo viên trúng tuyển thì không nhận công tác do chế độ chính sách thấp. Do đó, chỉ tiêu 80% số xã đạt NTM là khó có thể đạt” - ông Phạm Viết Tích nói.
Về chỉ tiêu độ che phủ rừng, ông Tích thông tin, đến năm 2025, theo nghị quyết đặt ra phải đạt 61%. Tuy nhiên, sau nhiều trận lũ lụt, sạt lở đất, cháy rừng, cùng với việc rà soát bóc tách đất nương rẫy của dân và việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với một số dự án, chỉ tiêu này là khó khả thi trong những năm cuối nhiệm kỳ, gần như “không thể đạt được”.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT bày tỏ lo ngại trước thực trạng có nơi, có môn thừa giáo viên và ngược lại, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Ngoài ra, một loạt chỉ tiêu về cơ sở vật chất của nhiều trường chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, trường mầm non đạt chuẩn chỉ mới thực hiện được 62/70% theo mục tiêu, tiểu học 81/95%, THCS đạt 60/72%.
Đáng chú ý, ở cấp THPT, chỉ mới có 42% đạt chuẩn, nhiều trường THPT còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT vừa có quy định nâng chuẩn đối với cơ sở vật chất, do đó khả năng tụt lại của một số trường là rất lớn, cần có cơ chế đầu tư mạnh. Tuy nhiên, với quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra là khá khó khăn.
Những nhiệm vụ cấp bách
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành đề cập vấn đề hết sức nhức nhối hiện nay: bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. “Hãy thử đi xuống một chợ cá ở các xã biển, chúng ta có thể thấy ngư dân buôn bán những con cá, con mực còn rất nhỏ. Đó là tận diệt. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ bây giờ hết sức cấp bách.
Việc khai thác hủy diệt trên sông, trên vùng biển ven bờ là vấn đề nghiêm trọng, cần có những giải pháp để bảo vệ, cần sự quan tâm mạnh mẽ, có những giải pháp chặt chẽ hơn. Đây là yếu tố quan trọng của kinh tế biển, là cái gốc của việc khai thác bền vững từ biển, góp phần tạo ra được những giá trị kinh tế, xã hội ở vùng ven biển” - ông Nguyễn Tri Ấn nói.
Ông Phạm Viết Tích chia sẻ, câu chuyện kinh tế thủy sản bền vững vẫn chưa được giải quyết từ gốc, đó là bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. “Đời sống bà con ngư dân ven biển vẫn còn vô cùng khó khăn, họ phải làm tất cả các nghề, dẫn đến tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đến bây giờ vẫn còn tình trạng giã cào, thả “lờ dây” (lồng bát quái)..., dù Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư nghiêm cấm. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn yếu.
Thêm vào đó, lực lượng kiểm ngư cũng gặp khó. Sau vụ việc xử lý hình sự ở Chi cục Thủy sản, đơn vị này mất 3 cán bộ thủy sản có chuyên môn cao, việc quản lý cũng bị ảnh hưởng. Biên chế ở đơn vị thì có, nhưng tuyển dụng không ra người. Không có con người, không có kinh phí, phương tiện phục vụ cho kiểm ngư cũng không, nên việc bảo vệ và phát triển thủy sản ven bờ gặp nhiều hạn chế” - ông Tích nói.
Liên quan đến thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My nhắc lại câu chuyện “sợ khó, sợ sai”, né tránh, đùn đẩy, không dám làm, không làm tròn nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ chuyên môn. Ông Hưng đề nghị phải có những chấn chỉnh quyết liệt, kịp thời, tập trung để giải quyết căn cơ, đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Về phát triển vùng miền núi, ông Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tiếp tục tìm kiếm mô hình kinh tế hiệu quả, khả thi, phát huy được nguồn lực từ những nghị quyết lớn ở khu vực đồng bào dân tộc miền núi, khắc phục tình trạng bế tắc trong thu hút doanh nghiệp đầu tư, không có chuyển biến hoặc chuyển biến mờ nhạt ở khu vực này.