Tạo sân chơi an toàn cho trẻ trong dịp hè

HOÀNG ĐẠO 06/07/2023 09:37

(QNO) - Tai nạn thương tích vẫn thường hay xảy ra với trẻ em đang trở thành nỗi lo đối với gia đình, xã hội, nhất là vào dịp nghỉ hè. Vì vậy, trẻ em trong kỳ nghỉ hè cần nhiều sân chơi an toàn, bổ ích để phát triển năng khiếu, thể chất lẫn trí tuệ. 

Cháu Nguyễn Ngọc Kiều Khanh được thực hành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong “Học kỳ quân đội“. Ảnh: H.Đ
Cháu Nguyễn Ngọc Kiều Khanh được thực hành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong “Học kỳ quân đội“. Ảnh: H.Đ

Trải nghiệm mùa hè

Khi con gái vừa kết thúc năm học, bà Phan Thị Kim Thanh (thị trấn Núi Thành, Núi Thành) đã đăng ký cho cháu Nguyễn Ngọc Kiều Khanh tham gia “Học kỳ quân đội” do Tỉnh đoàn tổ chức. Đây là lần thứ 2 chị Thanh cho cháu Khanh vào “Học kỳ quân đội” với mong muốn con mình trưởng thành, học tập được tỉnh kỷ luật của môi trường quân đội.

“Sau 1 tuần học tập thì con gái tôi trở nên giỏi giang hơn trong tự chăm sóc bản thân và được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản để xử trí trong các tình huống nguy hiểm nếu có” – bà Thanh nói. Đồng thời, để các con của mình tận hưởng mùa hè, gia đình bà Thanh đã cho 2 con đăng ký thêm lớp học bóng bàn theo sở thích.

Nhiều trẻ em lựa chọn học năng khiếu là các môn thể thao trong dịp hè. Ảnh: H.Đ
Nhiều trẻ em lựa chọn học các môn năng khiếu thể thao trong dịp hè. Ảnh: H.Đ

[VIDEO] - Nhiều trẻ em ở Núi Thành tham gia CLB Bóng bàn Núi Thành Victory:

Theo ông Hoàng Trần Phương - Phó Chủ tịch CLB Bóng bàn Núi Thành Victory, dịp hè này, CLB chiêu sinh được 50 trẻ em tham gia học bóng bàn và học thường xuyên khoảng 30 em. Các lớp học được tổ chức chuyên nghiệp, có các huấn luyện viên hướng dẫn nên các thiếu niên được nâng cao năng khiếu của mình. Việc học tập tại nhà thi đấu đa năng sẽ hạn chế các cháu nhỏ đi chơi ngoài đường và xem ti vi, điện thoại…

“Với nhóm tuổi thiếu niên, nhi đồng thì đây là bộ môn an toàn khi không có đối kháng trực tiếp, tránh được các tình huống gây chấn thương cho các em. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng phản xạ nhanh nhẹn, hỗ trợ các em có được thể hình cân đối hơn” -  ông Phương nói.

Em Nguyễn Ngọc Uyển Khanh (thị trấn Núi Thành): “Bóng bàn là bộ môn thể thao em ưa thích nhất. Em rất vui khi tham gia CLB bóng bàn trong kỳ nghỉ hè vì vừa rèn luyện sức khỏe để học tập tốt vừa giao lưu thêm với nhiều bạn mới”.

[VIDEO] - Ông Trần Hoàng Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Bóng bàn Núi Thành Victory:

Trong khi đó, tại xã Tam Đàn (Phú Ninh), Đoàn thanh niên xã tổ chức các hoạt động tình nguyện như xây dựng các khu vui chơi trẻ em, ra quân trồng cây xanh bảo vệ môi trường, giúp người dân cài đặt các ứng dụng điện tử VNeID, sổ khám sức khỏe điện tử...

“Ngoài việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em khó khăn, chúng tôi duy trì CLB tiếng Anh tại Chi đoàn thôn Đàn Trung, mở các lớp ôn tập văn hóa hè, năng khiếu như võ thuật, erobic, vẽ, bơi lội” – anh Cao Văn Nam - Bí thư Đoàn xã Tam Đàn nói.

“Học kỳ quân đội” - sân chơi đầy bổ ích cho thanh thiếu niên. Ảnh: H.Đ
“Học kỳ quân đội” - sân chơi đầy bổ ích cho thanh thiếu niên. Ảnh: H.Đ

Chung tay hành động vì trẻ em

Theo bà Đặng Thị Bảo Trinh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam, Tỉnh đoàn đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động hè, triển khai Tháng hành động vì trẻ em, tổ chức ngày cao điểm đồng loạt toàn tỉnh Vì đàn em thân yêu.

“Các hoạt động, chương trình chú trọng đến tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng cháy chữa cháy, phòng chống xâm hại trẻ em. Hỗ trợ các em tương tác lành mạnh, sáng tạo, an toàn trên môi trường mạng thông qua tổ chức các sân chơi trực tuyến bổ ích” – bà Trinh nói.

Mối quan tâm lớn nhất là kỹ năng phòng chống đuối nước. Ảnh: H.Đ
Một lớp dạy bơi cho trẻ em để phòng chống đuối nước. Ảnh: H.Đ

Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” đã tổ chức 26 buổi tuyên truyền về phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại thiếu nhi cho 640 em tham gia; 15 buổi tuyên truyền về Luật trẻ em; hơn 100 hoạt động vui chơi, giải trí; khai giảng 9 lớp dạy bơi, tặng áo phao miễn phí cho thiếu nhi; tặng hơn 600 suất quà, học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn...

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch dạy bơi an toàn và phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030. Ảnh: H.Đ
Quảng Nam đã lập kế hoạch dạy bơi an toàn và phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030. Ảnh: H.Đ

Bà Lưu Thị Bích Ngọc -  Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thông tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 trường hợp trẻ em tử vong do các tai nạn đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông. Giai đoạn 2020 - 2022, có 10.238 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 43 trẻ tử vong.

Để hạn chế các tai nạn cho trẻ em, Quảng Nam đã triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2023 – 2030. Ban Bảo vệ trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với chính quyền các địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực sông, suối, hồ... có nguy cơ dẫn đến đuối nước.

Đồng thời, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện tốt. Sở LĐ-TB&XH đã cấp phát 20.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, đuối nước cho trẻ em, phụ huynh, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em...

Toàn tỉnh có 174/241 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em năm 2022 đạt tỷ lệ 72,2%, vượt 12% so với kế hoạch.

Kỹ năng sống sẽ giúp trẻ hạn chế hậu quả của các tai nạn thương tích. Ảnh: H.Đ
Trang bị kỹ năng sống sẽ giúp trẻ hạn chế hậu quả của các tai nạn thương tích. Ảnh: H.Đ

Tuy nhiên, môi trường sống vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Trẻ em tại các vùng nông thôn thiếu sân chơi, thiếu nơi tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục, thể thao. Nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thấp, có nơi chưa bố trí.

“Việc bảo vệ, chăm sóc an toàn cho trẻ thì cần có sự đồng bộ từ xã hội đến gia đình. Phụ huynh chủ động trang bị kỹ năng làm cha mẹ, dạy dỗ để các cháu ngoan ngoãn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên.

Đối với các nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích thì cán bộ làm công tác trẻ em, Đoàn thanh niên và ngành giáo dục nên tăng cường tập huấn kỹ năng sống, sinh tồn...” – bà Ngọc nói.

HOÀNG ĐẠO