Áp lực cân đối ngân sách
Có thể sẽ không đạt hay vượt thu ngân sách, nhưng Quảng Nam cũng sẽ cân đối được ngân sách an toàn, không để hụt đi các khoản phải chi tiêu trong dự toán đã được duyệt.
Suy giảm
Sở Tài chính công bố đến ngày 29/6, tổng thu ngân sách năm 2023 chỉ đạt 47,4% dự toán (9.895/20.880 tỷ đồng). So dự toán, các hồ thủy điện đủ nước phát điện nên đạt 88,7%; sản lượng bia không tăng, nhưng dòng bia mới (Larue smooth) có giá tính thuế cao hơn nên số nộp ngân sách bia tăng 73,5%, đạt đến 95,7% và lượng khách quốc tế gia tăng nên Nam Hội An đã vượt đến 153%.
Thống kê, có 10/17 chỉ tiêu thu nội địa đạt tiến độ dự toán, cao hơn so cùng kỳ. Nhóm doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 70,6% (tăng 11,8%), doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 79% dự toán (tăng 23,5%), doanh nghiệp FDI 89,8% (tăng 68,2%), phí, lệ phí 88,8% (tăng 59,6%)...
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các sắc thuế trên vẫn không thể bù đắp được sự sụt giảm ngân sách khi số thuế từ Trường Hải (chiếm 62% dự toán nội địa) đã không như mong đợi. Sản lượng tiêu thụ của tập đoàn này chỉ khoảng 22.074 xe, chỉ bằng 37,5% so cùng kỳ (58.922 xe). Số thuế thu từ ô tô chỉ khoảng 4.105 tỷ đồng, đạt 35,9% dự toán (4.105/11.445 tỷ đồng).
Các dự án khai thác quỹ đất chậm đấu giá quyền sử dụng đất. Bất động sản đóng băng. Các dự án không chuyển nhượng được. Gần như các huyện không thể đấu thành công giá đất. Việc này đã kéo theo doanh nghiệp khó khăn tài chính, kéo dài nên số nộp ngân sách thấp.
Một dự án khác là Khu đô thị Nam Điện An đã hủy kết quả đấu giá nên phải hoàn trả tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho người mua hơn 159,7 tỷ đồng. Khó khăn dồn lên khó khăn nên số thuế từ đất dự lường khoảng 2.300 tỷ đồng cho năm 2023 chỉ mới đạt con số 1.085 tỷ đồng, đạt 47,2%.
Thu từ xuất nhập khẩu nhiều hay ít chỉ có tác động đến chỉ tiêu tăng trưởng hay thành tích kinh tế của địa phương, không ảnh hưởng nhiều đến nguồn lực phân bổ chi tiêu cho địa phương so với số thu ngân sách nội địa.
Theo rà soát các nguồn thu còn dư địa, theo dõi tình hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các chính sách vĩ mô, Cục Thuế Quảng Nam ước số thu ngân sách cả năm 2023 sẽ khoảng 18.310 tỷ đồng, chỉ đạt 87,7% dự toán.
Số thuế dựa vào các nguồn thu chính là ô tô, khoảng 9.000 tỷ đồng (78,6%), thủy điện 1.200 tỷ đồng (139,5%), bia 863,8 tỷ đồng (154,3%), Nam Hội An 350 tỷ đồng (350%) và ước thu tiền sử dụng đất 2.300 tỷ đồng (100%)...
Thu ngân sách không đạt tiến độ, nhưng chi ngân sách không thể cắt giảm so dự toán. Thống kê chi ngân sách địa phương đã đạt 35% dự toán, tăng 43% so cùng kỳ (chi đầu tư phát triển 52%, tăng 38% và chi thường xuyên bám sát dự toán và tiến độ thu, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh).
Giải tỏa sức ép
Các thống kê và phân tích cho thấy Quảng Nam khó có thể vượt qua con số 20.880 tỷ đồng thu nội địa đã được ấn định. Phía ngược lại, chi sẽ không giảm mà còn có thể gia tăng khi khó đoán định chính xác dịch bệnh, thiên tai, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ đến tận người dân sẽ diễn biến như thế nào trên thực tế.
Quảng Nam tự cân đối ngân sách, điều tiết về trung ương (18%), nhưng phải đảm bảo nguồn trả nợ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cán bộ công viên chức nghỉ việc… Khoảng kinh phí tự đảm bảo ấy rất lớn, sẽ tạo áp lực không nhỏ trong cân đối ngân sách địa phương. Ngân sách eo hẹp lấy gì để chi tiêu? Sức ép điều hành cân đối luôn đè nặng trên vai ngân sách địa phương.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói không có gì phải quá lo lắng hay bi quan về ngân sách địa phương. Các chính sách đã mở (giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% lệ phí trước bạ, lãi suất điều hành tín dụng giảm, “tháo khoán” tín dụng bất động sản...) thì doanh nghiệp sẽ phục hồi, kéo theo nguồn thu cuối năm gia tăng (điều này đã được thực chứng trong lịch sử thu ngân sách địa phương). Nếu có hụt thu thì cũng sẽ không lớn.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói thông qua các sắc thuế đạt và vượt tiến độ cho thấy nền kinh tế hay thu ngân sách địa phương không đáng để bi quan. Có thể thấy chính quyền và cơ quan quản lý đã dự lường được sự sụt giảm nền kinh tế nên xây dựng dự toán thu chi ngân sách không bị động.
Điều hành ngân sách theo dự toán, thực tế đã tăng lượng dự phòng, dự trữ tài chính và dự phòng ngân sách (thể hiện rất rõ trong việc phân bổ chi ngân sách thường niên và giai đoạn đều có khoản này), có thể sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống xấu nào.
Tuy nhiên, cũng cần phân tích thêm về giá trị của các ngành sản xuất để thấy độ phục hồi của nền kinh tế thông qua số thuế thu được có xu hướng tăng, dễ thấy được nỗ lực của địa phương.
Cơ quan tài chính cho hay chi ngân sách sẽ bám sát dự toán, tiến độ thu. Nếu bất khả kháng, thu cân đối ngân sách dự kiến giảm thì sẽ chủ động xây dựng phương án điều chỉnh giảm chi tương ứng.
Chỉ cắt giảm, giãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Các địa phương, cơ quan không đề xuất ban hành các chính sách thiếu, không đúng, không sát với thực tế và thiếu nguồn lực thực hiện, gây khó cho cân đối ngân sách.
Ông Đặng Phong nói đã dự lường được những tác động đến nền kinh tế, nên đã chủ động điều hành ngân sách ngay từ đầu. Dù nền kinh tế có diễn biến bất kỳ tình huống nào thì ngân sách địa phương cũng sẽ được cân đối ổn, an toàn nhất, không để hụt đi các khoản phải chi tiêu trong dự toán đã được duyệt.