Ngược dòng sông mẹ
Bạn thử một lần ngược dòng sông mẹ, giữa man mác trời mây, sông nước, tận hưởng bức tranh sơn thủy hữu tình, mới thấm hết cảnh đẹp quê xứ.
Từ Đà Nẵng, Đại Lộc, để lên thượng nguồn Thu Bồn ngắm sông, ngắm Hòn Kẽm Đá Dừng, ngày trước khi giao thông chưa phát triển, khách du sẽ phải đi đò dọc sông Thu mất chừng vài giờ đồng hồ.
Khi cầu Giao Thủy đã nối đôi bờ cách trở, du khách chỉ mất chừng nửa tiếng qua cầu, qua Duy Phú (Duy Xuyên), men theo con đường rộng lớn, ngang đèo Phường Rạnh, tha hồ ngắm mây trời. Trải nghiệm ngắm bình minh trên đèo Phường Rạnh thật tuyệt, dưới kia, dòng Thu xanh thẳm cùng bãi cát trắng phau, bao bọc những xóm làng, bãi bờ...
Nơi làng Trung An (hay Khương Quế, xã Quế Trung), trước đây đường đến làng ba bề, bốn mặt chỉ thấy núi và đá núi. Bao đời nay, biểu tượng mẹ Thu Bồn, Bà Thu Bồn luôn trở thành mạch nguồn tâm linh giúp dân làng vượt qua khó khăn, chông gai. Bà trong tâm trí họ như một vị thần nữ chở che, cứu độ dân làng, ban ơn mưa móc giúp cây trái tốt tươi, nhà nhà no ấm.
Lễ hội Bà Thu Bồn nơi làng Khương Quế xưa nay với những lễ nghi, những hội hè với hát tuồng, ẩm thực không thiếu. Dinh Bà ở làng Khương Quế - Trung An uy nghi còn sót lại trụ cổng bằng đá có dạng mái vòm có lẽ đã có tuổi đến hơn 500 năm.
Theo già làng, những đêm trăng sáng hay những dịp sắp đến ngày vía Bà, người làng còn nghe những tiếng động lớn phát ra từ hướng Dinh Bà trên núi, có người còn nhìn thấy đốm lửa thiêng bay về phía núi Hòn Đền, Hòn Nhạn thâm u. Truyền thuyết, huyền thoại dân gian ăn sâu vào mạch sống tâm linh của cư dân bản địa...
Từ bến đò Trung Phước, chúng tôi ghé Đại Bình để dạo quanh làng, hít hà hương thơm thoang thoảng của bưởi, bòng, sầu riêng trổ bông. Sau khi dùng bữa trưa nhẹ tại Đại Bình, chúng tôi lại leo lên đò dọc đi về phía Hòn Kẽm Đá Dừng. Càng về vùng thượng nguồn, sông lại càng tuyệt đẹp như một bức vẽ. Những dãy núi là đà, cao thấp đan xen, chạy dài, núi liền sông, sông liền núi.
Vùng Trà Linh (nơi Hòn Kẽm Đá Dừng), vùng ranh giới giữa Nông Sơn và Hiệp Đức cũng lưu truyền những huyền tích về Dinh Bà Trà Linh, tương tự như huyền tích Dinh Bà Thu Bồn.
Bến Trà Linh vùng Hiệp Đức vẫn còn lưu dấu ngôi miếu Bà, nằm sát sông, quay mặt ra sông rộng. Những huyền thoại về Dinh Bà Trà Linh dân làng kể, vẫn có nét hao hao giống huyền thoại Bà Thu Bồn, hay Bà Chiêm Sơn...
Giữa mênh mang Hòn Kẽm Đá Dừng, bên những vách đá cheo leo, lũ khỉ từ rừng tràn xuống hai bên bờ vách đá, nhảy nhót giữa chiều muộn khiến ai nấy thích thú. Thiên nhiên không chỉ tuyệt mỹ mà còn trong lành, hoang sơ như vốn quý, cần được bảo tồn và gìn giữ.
Về với Hòn Kẽm, du khách có thể dừng chân ghé Nước Mắt để chiêm ngưỡng tuyệt tác của thiên nhiên, ghé Gành Tiên nghe những sự tích về những nàng tiên vờn sóng nước, hoặc ghé Khe Nghiêng, trầm trồ trước phong cảnh kỳ vĩ Đá Dừng.
Hòn Kẽm Đá Dừng, nơi hai đỉnh núi xích lại gần nhau xanh thẳm mà mỗi sớm chiều sương giăng trắng xóa ngỡ như cô gái xuân thì đang cài mây hoa. Thiên nhiên luôn tuyệt đẹp và cũng chứa bao điều bí ẩn. Hành trình ngược dòng sông mẹ lên Hòn Kẽm để ngắm sông, ngắm núi mở ra những cảm xúc bất tận...