Lo ngại bùng phát bệnh tay chân miệng

XUÂN HIỀN - ÁNH MINH 30/06/2023 04:16

Dự báo năm nay bệnh tay chân miệng có nguy cơ tăng cao và sẽ bùng phát thành dịch, nên ngành y tế đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống...

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: X.H
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: X.H

Báo động

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam ghi nhận 125 ca bệnh tay chân miệng; trong đó riêng từ ngày 21 - 28/6 toàn tỉnh có thêm đến 16 ca mắc mới và phát hiện ổ dịch mới tại thôn Bến Trễ, phường Thanh Hà (TP.Hội An).

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện có 15/18 địa phương tại Quảng Nam đã có ca bệnh tay chân miệng, trong đó chủ yếu ở Thăng Bình, Điện Bàn, Hội An.

Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Sở Y tế yêu cầu, tại các cơ sở y tế cần: Cách ly theo nhóm bệnh; nhân viên y tế phải mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc người bệnh; khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.

Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh; xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Tại cộng đồng cần thực hiện “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Bệnh này do vi rút gây ra và hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. “So với cùng kỳ năm 2022, tổng số ca mắc giảm, tuy nhiên tình hình thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển, đặc biệt với chủng Coxsackievirus 61 và Enterovirus 71 (vi rút EV71).

Vì vậy, bệnh tay chân miệng ở trẻ em nguy cơ tăng cao và có thể bùng phát thành dịch, nên toàn ngành phải kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống” - ông Mai Văn Mười nói.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.

Số ca mắc có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút EV71 có khả năng gây bệnh nặng.

Tại TP.Hồ Chí Minh, những ngày gần đây liên tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh thể nặng với chủng EV71.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện chưa thể lý giải nguyên nhân vi rút EV71 tái xuất.

Theo ông Khanh, dịch bệnh tay chân miệng lần này đáng lo hơn bởi nhiều bệnh lý khác như vi rút Adeno, vi rút hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi đều là lý do khiến số ca mắc tăng nhiều.

Nếu những năm trước, bệnh tay chân miệng bùng phát thành dịch vào thời điểm tháng 8 và 9, khi trẻ bắt đầu vào năm học mới thì năm nay tại TP.Hồ Chí Minh hiện số ca bệnh đã tăng và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới.

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh tay chân miệng đang diễn tiến phức tạp theo chiều hướng các ca trở nặng ngày càng tăng. Chưa kể, hầu hết ca nhập viện tại những cơ sở y tế của TP.Hồ Chí Minh hiện nay đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.

Tăng cường biện pháp phòng bệnh

Tay chân miệng là bệnh theo mùa, tuy nhiên bệnh có diễn tiến nặng khá nhanh. Nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đi các cơ sở y tế thăm khám, đến khi nhập viện bệnh đã trở nặng.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế chủ động tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện củng cố đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp biến chứng gây tử vong.

“Sở đặc biệt lưu ý tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh - nhất là trong ngày nghỉ - để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng. Thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại mọi tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở” - ông Mai Văn Mười nói.

Hiện nay, các địa phương đang xuất hiện số ca mắc tay chân miệng đã yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn cho biết, tại địa phương dù chưa ghi nhận ổ dịch nhưng đã xuất hiện rải rác số ca mắc, chủ yếu là học sinh bậc học mầm non.

“Các ca mắc đều ở thể nhẹ, có thể điều trị theo hướng dẫn của cán bộ trạm y tế, nhưng không vì thế mà chủ quan. Cùng với hướng dẫn vệ sinh cá nhân, môi trường nhà ở, trường học, chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nhân viên tại trạm y tế các dấu hiệu nhận biết và điều trị bệnh” - ông Nguyễn Văn Hiến nói.

XUÂN HIỀN - ÁNH MINH