Trao quyền giám sát cho doanh nghiệp
Sau 3 năm bị gián đoạn, UBND tỉnh đã phê duyệt bộ chỉ số, phân loại phiếu khảo sát, trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá “năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương - DDCI Quảng Nam 2023”.
Dễ hiểu, dễ đánh giá
Sự khác biệt của bộ chỉ số lần này là đưa vào vai trò người đứng đầu, loại bỏ chỉ số gia nhập thị trường và đào tạo lao động với hệ thống chỉ tiêu dễ áp dụng, hành động với khoảng 3.000 doanh nghiệp sẽ tham gia khảo sát.
Nhóm các sở, ngành sẽ được đánh giá, xếp hạng dựa vào 8 chỉ số thành phần và 18 địa phương có thêm chỉ số tiếp cận đất đai. Việc đánh giá này đã trở thành kênh tương tác rộng mở trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội (zalo, youtube...) cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn Quảng Nam hưởng ứng tham gia trả lời phiếu khảo sát.
Mỗi chỉ số thành phần đều có những câu hỏi riêng biệt để xác định cụ thể. Chỉ số tính minh bạch sẽ bàn đến khả năng tiếp cận thông tin, về tính hữu ích của thông tin trên các website hay có kịp thời cung cấp thông tin, văn bản khi doanh nghiệp yêu cầu, mức độ đầy đủ, rõ ràng của nội dung trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc công việc có liên quan.
Tính năng động sẽ đề cập sự linh hoạt tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi; phản ứng trong việc giải quyết những vấn đề mới phát sinh (trong và ngoài quyền hạn, trách nhiệm); có kịp thời nắm bắt, xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp.
Chỉ số vai trò người đứng đầu đề cập việc có dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có hành động cụ thể, thiết thực nào để giải quyết các vấn đề của oanh nghiệp; lắng nghe, tiếp thu góp ý của doanh nghiệp. Chỉ số chi phí thời gian hướng đến sẽ có bao nhiêu lần thanh tra theo đúng nội dung và ảnh hưởng đối với doanh nghiệp.
Có hay không hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, có tuân thủ đúng quy định thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính. Doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục hành chính và có ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay không.
Chỉ số chi phí không chính thức được quy về các vấn đề có phải là hiện tượng phổ biến hay giảm bớt chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả, và công việc có hiệu quả hơn không sau khi đã trả chi phí không chính thức.
Chỉ số cạnh tranh bình đẳng sẽ bàn đến việc có sự ưu ái, ưu tiên dành cho các doanh nghiệp sân sau, thân hữu lớn và sự việc này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp hay không?
Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp được ghi nhận từ tần suất, chất lượng các chương trình hỗ trợ, việc giải quyết vướng mắc, kiến nghị sau các cuộc trao đổi thông tin, đối thoại doanh nghiệp và mức độ quan tâm tới doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chỉ số thiết chế pháp lý hướng đến việc doanh nghiệp có đánh giá nội dung các văn bản, sự hướng dẫn có thực chất, có tính thực thi cao hay không và giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp có thỏa đáng.
Chỉ số tiếp cận đất đai (chỉ dùng để tính điểm, xếp hạng ở cấp huyện, thị, thành phố) bàn đến chuyện bao nhiêu doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận hoặc mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh; đánh giá mức độ rủi ro khi sử dụng đất; độ tích cực, chất lượng quy hoạch, sự hỗ trợ của địa phương trong giải phóng mặt bằng và sự chủ động trong giải quyết các vướng mắc về đất đai gây bức xúc tại địa phương.
Tạo động lực cải cách
Chưa có cuộc khảo cứu hay phân tích, nhưng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI Quảng Nam lọt vào tốp 10 tỉnh, thành có chỉ số, thứ hạng PCI cao nhất Việt Nam khi địa phương có thêm DDCI. Sự gián đoạn của DDCI (kể từ 2020 đến nay) đã khiến 3 năm liền Quảng Nam bị đánh bật ra khỏi tốp 10, không còn thuộc nhóm tốt PCI.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nói kết quả khảo sát thường niên tại địa phương cho thấy có rất nhiều sáng kiến hay ở cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành.
Các chủ trương, chính sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh không được cấp huyện thực hiện tốt. Chính quyền địa phương rất khó đưa ra một chương trình thay đổi đúng trọng tâm, đúng điểm nóng nếu không có thông tin. DDCI được xem là công cụ để vá khoảng trống cải cách còn lại của chỉ số PCI (vốn chỉ khảo sát trên diện rộng) đã chỉ ra.
Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng cho hay, nếu không có DDCI sẽ không biết được những ưu, khuyết ở cơ quan nào nên việc khắc phục khó khăn.
Công cụ này giúp cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, lĩnh vực tích cực, hạn chế, một nguồn thông tin hữu ích cho việc đánh giá lại một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra những quyết sách hợp lý, đồng thời có cơ sở đưa ra chỉ đạo, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách của các sở, ngành, địa phương.
“Địa phương tiếp tục mở DDCI là cần thiết để góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI. Không đơn thuần chấm điểm, xếp hạng, bộ công cụ này còn chỉ ra cụ thể điểm mạnh, yếu, đưa ra những giải pháp, khuyến nghị giúp cho cơ quan công quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động” - ông Quang nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, khi đưa ra bộ chỉ số DDCI đánh giá sẽ tạo sự thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các cơ quan công quyền và địa phương.
Từ đó tạo nên động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực. Sẽ tạo thông tin tin cậy, rộng rãi, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng cơ quan công quyền.
Kết quả chỉ số DDCI được xem là một trong những căn cứ để đánh giá công tác điều hành, xếp loại thi đua cuối năm của các đơn vị, địa phương và người đứng đầu.
Sẽ là kênh hỗ trợ lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm cần cải cách, triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Với sự cân đong, đo đếm được, những thông tin từ DDCI, chính quyền có thể đưa ra một chương trình để chấn chỉnh, cải thiện. Định kỳ đánh giá khả năng điều hành của địa phương sẽ tạo ra văn hóa tự điều chỉnh hành vi thực thi pháp luật, thể hiện vai trò công bộc.