Khởi sắc ở ngôi làng ngã ba sông
Từng là một ngôi làng “4 không” (không điện, không đường, không trường, không nước sạch) nằm ở cuối xã Kà Dăng (Đông Giang), thôn Yều tái dựng trên đất mới (thuộc xã Đại Hưng, Đại Lộc) khởi sắc từng ngày, người dân chung tay xây dựng đời sống ấm no.
Ngày mới ở làng Yều
Làng Yều trước kia, để giao lưu hàng hóa với vùng xuôi, người dân phải lội qua sông Côn, vượt hai con suối, rồi men theo triền dốc khúc khuỷu mới đến được chợ và trung tâm xã Kà Dăng. Mùa mưa, làng bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ bao quanh, trẻ em không thể đến trường.
Người dân sinh sống khó khăn, sống bám vào rừng, trồng tỉa ven nà, ven đồi. Trước thực trạng ấy, vào năm 1998, tỉnh có chủ trương xây dựng mặt bằng mới ở ngã ba sông Côn, sông Vàng (nay thuộc xã Đại Hưng) làm khu tái định cư của làng Yều.
Năm 2005 - 2006, thời điểm di dời đến làng mới, cả thôn Yều chỉ có 31 hộ dân người Cơ Tu và 100% là hộ nghèo. Nơi lập làng mới bằng phẳng, thuận tiện trong việc ăn ở, đi lại, sinh hoạt của nhân dân, có điện lưới, đường bê tông.
Ông Phạm Đức Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng nhớ lại, thời điểm đó, công tác vận động, thuyết phục người dân rời làng cũ sang ở nơi mới kéo dài. Về sau, khi về làng, thấy thuận tiện hơn, bà con dần quen với đời sống mới và định cư làm ăn. Từ một làng có 100% hộ nghèo, hiện cả thôn gồm 61 hộ, 225 nhân khẩu chỉ còn 3 hộ nghèo.
Ông Ngô Văn Ba - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đại Hưng cho hay, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức mặt trận - đoàn thể và sự quyết tâm của người dân, ngôi làng đang trên đà thoát nghèo bền vững.
Mô hình kinh tế chủ yếu ở thôn là chăn nuôi, nhiều hộ kết hợp chăn nuôi với trồng rừng, dần khấm khá. Địa phương đã xây dựng được bể chứa dẫn nước từ khe Trâu, cung cấp cho người dân sản xuất, tưới cho cây lúa. Con em ở làng Yều đã đi làm ăn xa, làm công nhân, có người làm bác sĩ, giáo viên, làm cán bộ xã, huyện.
Nông thôn khởi sắc
Ông Đinh Phe (người dân thôn Yều) trồng hơn 20ha keo, nuôi 6 - 7 con bò, được xem là một trong những hộ gia đình khấm khá của làng Yều. Ông chia sẻ, để có được cuộc sống như ngày nay, người dân thôn Yều nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến làng với nhiều hoạt động chăm lo thiết thực như: ổn định mặt bằng cho dân làng, mở rộng khu dân cư làng Yều, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp giống cây con phát triển sản xuất giúp dân thoát nghèo.
“Nhiều năm qua, từ nhiều nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân được cấp cây, con vật nuôi để trồng trọt, chăn nuôi, có sinh kế thoát nghèo” - ông Phe nói.
Ông Phạm Thế Chất - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng cho biết, ngoài sự quan tâm của các cấp, người dân thôn Yều cũng tự vươn lên, cải thiện đời sống. Trong làng hiện có cán bộ, giáo viên, có nhiều em làm công nhân. Địa phương cũng rất quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ; vận động xã hội hóa, kêu gọi tặng quà hỗ trợ bà con...
Dân làng thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan, không còn nạn tảo hôn. Bà con cũng có tinh thần tương thân tương ái, hễ nhà ai có việc, cả làng chung tay giúp đỡ. An ninh trật tự được giữ vững, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng khởi sắc...
Ông Phạm Quang Hiển - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng thông tin, làng Yều được đầu tư từ các chương trình mục tiêu phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện đang đầu tư dự án mở rộng khu dân cư số 2 của làng Yều với tổng kinh phí 8 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ 5,7 tỷ đồng, làng Yều được hỗ trợ 4 hạng mục gồm dự án nước sạch, hỗ trợ đất ở, nâng cấp sân nền và khu văn hóa làng Yều, đầu tư công trình thủy lợi tưới cho hơn 1,2ha lúa. Từ nguồn vốn sự nghiệp, nguồn trung ương hỗ trợ 600 triệu đồng/năm, bà con được hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ trồng cây dược liệu...