Người Đức tiết kiệm chi tiêu
(QNO) - Ngày càng có nhiều người tiêu dùng tại Đức tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh vật giá leo thang, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm.
Theo nghiên cứu vừa đăng tải của Deloitte, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tại Đức thay đổi thói quen mua sắm hàng tạp hóa trong bối cảnh giá cả tăng vọt. Người Đức đang cắt giảm mua hàng lương thực thực phẩm và tập trung mua các sản phẩm rẻ hơn.
Khoảng 37% số người được hỏi cho biết thích mua các nhãn hiệu siêu thị rẻ hơn trong khi 35% nói đang mua các loại thịt rẻ hơn. Ngoài ra, 1/5 số người cho biết liên tục mua ít hàng tạp hóa hơn mức mong muốn trong khi 1/4 cho hay hiện chỉ mua những thứ thiết yếu, cắt giảm đồ ngọt và đồ nguội.
Deloitte lý giải, nhiều cuộc khủng hoảng và thách thức trong những năm gần đây khiến người tiêu dùng Đức thay đổi thói quen để xoay xở với các nguồn tài chính. Điều này ảnh hưởng đến một số lĩnh vực của cuộc sống hằng ngày bao gồm cả dinh dưỡng. Cứ 3 người tiêu dùng thì có 1 người “căng thẳng về tài chính” khi mua sắm hàng tạp hóa.
Các nhà nghiên cứu lưu ý, 41% số người được hỏi cho rằng họ hiểu tại sao giá lại ở mức cao như hiện tại và phàn nàn về sự thiếu minh bạch khi hình thành giá. Hơn 64% cảm thấy các công ty đang tăng giá nhiều hơn mức chi phí gia tăng để mang lại lợi nhuận cao hơn.
Lạm phát hằng năm ở Đức vừa xác nhận ở mức thấp nhất trong 14 tháng là 6,1% vào tháng 5/2023, giảm so với mức 7,2% của tháng trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Giá thực phẩm giảm tốc độ tăng so với tháng trước nhưng vẫn ở mức hai con số là 14,9%, dẫn đầu là các sản phẩm từ sữa (28,2%), bánh mì và ngũ cốc (19,3%).
Ông Stefan Fettsch - người đứng đầu bộ phận hàng tiêu dùng Đức tại KPMG nói: "Người Đức vốn rất thận trọng trong chi tiêu. Khi họ cảm thấy an tâm về tương lai, họ mới sẵn sàng chi tiêu".
Giáo sư kinh tế Michael Burda tại Đại học Humboldt Berlin (Đức) nhận định: "Người tiêu dùng Đức có lý do để lo sợ và kết quả của mọi bất ổn kinh tế thường là sự gia tăng các khoản tiết kiệm đề phòng".
Tháng trước, Viện Thống kê quốc gia Đức thông báo nền kinh tế Đức - nền kinh tế số 1 của châu Âu rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2023 tiếp tục sụt giảm thêm 0,3% sau khi đã giảm 0,5% trong quý IV/2022. Nguyên nhân chủ yếu là giá năng lượng tăng cao, nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm và lạm phát ở mức cao.
Theo statista.com, năm 2021, các hộ gia đình Đức tiết kiệm được tổng cộng khoảng 311,8 tỷ euro. Mặc dù mô hình tiết kiệm hộ gia đình cá nhân và hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhìn chung các số liệu cho thấy tỷ lệ tiết kiệm gia tăng trong những năm gần đây.