Lạc quan động lực tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 26/06/2023 08:54

Nỗ lực của chính quyền lẫn các chính sách hữu hiệu vực dậy kinh tế từ Trung ương sẽ trở thành động lực để Quảng Nam có thể sẽ đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9% như kế hoạch năm 2023, dù hiện tại chỉ số này đang giảm sút.

GRDP 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào độ tăng trưởng của sản xuất, tiêu thụ ô tô, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và sự triển khai của các dự án đầu tư tư nhân. Ảnh: T.D
GRDP 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào độ tăng trưởng của sản xuất, tiêu thụ ô tô, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và sự triển khai của các dự án đầu tư tư nhân. Ảnh: T.D

Mức GRDP áp chót!

Tổng cục Thống kê công bố số liệu “khá thất vọng” về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam. Cơ quan này cho biết, so cùng kỳ, GRDP quý I đã giảm 9,8%, quý II giảm 8,6%.

Khu vực nông - lâm - thủy sản và thương mại - du lịch - dịch vụ tăng trưởng 3,7% và 3,2%, vẫn không thể bù đắp được sự sụt giảm nặng nề của khu vực công nghiệp và xây dựng (giảm 23,1%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (giảm 11,1%), khiến GRDP 6 tháng đầu năm giảm đến 9,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,8%).

Cơ cấu kinh tế có sự đảo chiều lớn. Sáu tháng đầu năm 2022, khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm lần lượt 14,72%, 34,1%, 31,88% & 19,3% thì nay là 16,83%, 28,94%, 35,31% & 18,92%.

Chưa thể gượng dậy sau cú sốc về dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguyên vật liệu khan hiếm..., doanh nghiệp đứng trước áp lực lớn trong việc duy trì sản xuất.

Các ngành chủ lực (dệt may, đồ gỗ, sản xuất, lắp ráp ô tô...) đã chứng kiến độ suy thoái rất mạnh. Theo phân tích, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp đã giảm 24,3%. Đây là mức giảm sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua (công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%).

Một thống kê khác, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng qua đã giảm 29,87%. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô chiếm 60%/tổng giá trị ngành công nghiệp, chỉ đạt 49,9%. Ngành chế biến, chế tạo giảm sâu (32,16%) về chỉ số sản xuất lẫn chỉ số tiêu thụ (giảm 27%) so cùng kỳ năm trước.

Lo ngại nhất là chỉ số sử dụng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp cuối tháng 6 đã giảm đến 9,2%. Xây dựng không thoát khỏi vòng xoáy suy thoái.

Nhiều công trình đứng bánh vì cát, đất tăng giá và thiếu nguồn cung, chi phí sản xuất, kinh doanh cao hay yếu giải phóng mặt bằng hoặc nhiều dự án nhà ở, thương mại dịch vụ ì ạch tiến độ và các dự án đầu tư công chưa thể trở thành động năng tăng trưởng... Các thống kê bất lợi này đã buộc tăng trưởng của ngành xây dựng giảm đến 16,4% so cùng kỳ năm trước.

Thống kê cho thấy, mức suy giảm này đã “đẩy” Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng thấp áp chót so 63 tỉnh thành cả nước (chỉ trên Bắc Ninh) và “đội sổ” so 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc bộ và duyên hải miền Trung.

Tuy nhiên, dù tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP địa phương vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước. Quy mô này đã được xếp 23/63 tỉnh, thành phố, vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, xếp sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi, chiếm vị thứ 3/5 tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thu ngân sách nhà nước của Quảng Nam chỉ đạt 46,4% dự toán (bằng 60,8% cùng kỳ), tuy nhiên, vẫn được xếp vào hàng ngũ “đại gia” các tỉnh, thành thu ngân sách cao nhiều năm gần đây khi xếp vị thứ 11/63 tỉnh thành (xếp thứ 2/14 tỉnh thành Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, sau Thanh Hóa và đứng đầu bảng 5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung).

Không chỉ vậy, địa phương còn nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có tỷ lệ đóng góp về ngân sách trung ương cao nhất cả nước (năm 2023 tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương 18%).

Động lực tăng trưởng

Sự suy giảm GRDP hiện tại là điều đã rõ. Song, điều đó không phải là một thảm họa khi dư địa của nền kinh tế địa phương vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi tốc độ tăng trưởng.

Theo tính toán, phân tích của chính quyền và các cơ quan quản lý thì dư địa tăng trưởng kinh tế 6 tháng còn lại của năm 2023 có cơ sở để lạc quan. Thương mại dịch vụ, du lịch đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều chương trình, sự kiện liên tục diễn ra trên khắp các vùng đất Quảng.

Dự kiến tỷ trọng của khu vực này trong cơ cấu GRDP địa phương sẽ tiếp tục gia tăng. Quốc hội đã có những quyết sách nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo tiền đề cho tăng trưởng như tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% hoặc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (áp dụng từ 1/7/2023 đến hết năm 2023) sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng của công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần quan trọng vào GRDP.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói, theo kế hoạch 6 tháng ít nhất phải đạt 50% kế hoạch thu ngân sách. Hiện tại chưa đạt, nhưng cũng đã xấp xỉ. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, sẽ không thể đáp ứng con số tiêu thụ xe như Thaco đề ra đầu năm, nhưng hy vọng sẽ bán được xe. Có thể thu ngân sách từ Thaco sẽ giảm nhưng không lớn.

Cùng với việc gia tăng đầu tư (công, tư) hay các nguồn khác tăng thêm như FDI, thủy điện, bia, nước ngọt... đang có chiều hướng gia tăng, sẽ đáp ứng được dự toán, đồng nghĩa với việc tăng thêm tỷ trọng GRDP của khu vực này trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

Theo Sở KH-ĐT, đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tính đến ngày 19/6, tỷ lệ giải ngân đã đạt 15,9%. Dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại, do phần lớn dự án đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị, đang triển khai đầu tư dự án.

Chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp kích cầu. Mỗi cơ quan quản lý tùy theo “phận sự”, từ tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, khắc phục tình trạng thiếu vật liệu cung cấp cho dự án, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục triển khai dự án, đảm bảo giải ngân toàn bộ vốn ngân sách đã giao.

Với việc chính quyền, cơ quan quản lý sẵn sàng ứng phó khó khăn, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư đã trở thành hành động cụ thể thì mục tiêu GRDP 9% năm 2023 có thể sẽ đạt được.

Sự tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước, giảm bớt áp lực khó khăn tài chính, tiếp tục đầu tư cho phát triển, phân phối lại thu thập cho những đối tượng yếu thế của xã hội…

Đó là lý do, hiện tại dù suy giảm, nhưng chính quyền Quảng Nam đã không tính đến chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng để “làm đẹp” bản báo cáo khi kết thúc năm mà chỉ hiệu triệu tất cả đồng lòng thực hiện các giải pháp, kế hoạch để đạt các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.

TRỊNH DŨNG