Ngôi làng tại Thái Lan chìm dần vì biến đổi khí hậu
(QNO) - Ban Khun Samut Chin - một ngôi làng ven biển chỉ cách thủ đô Bangkok của Thái Lan chưa đầy 10km đang bị sóng biển "nuốt chửng".
Ám ảnh từ ngôi làng Ban Khun Samut Chin
Mỗi buổi sáng, 4 đứa trẻ xếp thành một hàng và tự hào hát quốc ca khi lá cờ Thái Lan được kéo lên bên ngoài trường học. Các em là học sinh cuối cùng của ngôi trường ở Ban Khun Samut Chin.
Jiranan Chorsakul (11 tuổi) - một trong 4 học sinh nói: "Em từng có nhiều bạn, khoảng 20 hoặc 21 bạn cùng lớp khi bắt đầu học mẫu giáo".
Tại một ngôi chùa Phật giáo gắn nhiều cây cột chống đỡ ở Ban Khun Samut Chin, Trưởng làng Wisanu Kengsamut nói rằng nước biển xâm lấn 2km đất liền trong 60 năm qua.
"Phía sau tôi từng là một ngôi làng, một khu rừng ngập mặn và bạn có thể dễ dàng đi bộ từ làng đến ngôi đền này... Nhưng dân làng bắt đầu di chuyển vào đất liền, ngày càng xa ngôi đền" - ông Wisanu Kengsamut cho hay.
Theo AFP, làng Ban Khun Samut Chin hiện còn khoảng 200 người bám trụ. Ngôi làng này đang dần chìm vì biến đổi khí hậu làm tan chảy các sông băng khiến mực nước biển dâng cao.
Mực nước biển đang dâng nhanh
Liên hiệp quốc cảnh báo, mực nước biển tăng từ 15cm đến 25cm kể từ năm 1900 và tốc độ này đang tăng nhanh, đặc biệt ở một số khu vực nhiệt đới.
Nếu xu hướng ấm lên tiếp tục, mực nước đại dương có thể tăng thêm gần 1m xung quanh các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này. Các thành phố ven biển Đông Nam Á có thể chìm nhanh nhất.
Các tác động sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan. Ước tính có khoảng 17% dân số Thái Lan (khoảng 11 triệu người) sống ven biển và phụ thuộc vào đánh bắt cá hoặc du lịch để kiếm sống.
Tiến sĩ Danny Marks - Trợ lý giáo sư Chính sách môi trường của Đại học Thành phố Dublin (Ireland) nhận định, Ban Khun Samut Chin là một lời cảnh báo rất rõ nét về thế giới bị tàn phá bởi khí hậu.
Thực tế, xói mòn nghiêm trọng tại Ban Khun Samut Chin trở nên trầm trọng hơn do quản lý môi trường địa phương yếu kém và triều cường dâng do biến đổi khí hậu gây ra.
Nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức và rừng ngập mặn giữ vai trò như "đê chắn sóng" cũng bị phá hủy để nhường chỗ cho các trang trại nuôi tôm.
Các con đập ở thượng nguồn trên sông Chao Phraya chảy qua Bangkok và đổ ra cửa biển gần ngôi làng làm chậm quá trình lắng đọng phù sa trong vịnh.
Giới chức làng Ban Khun Samut Chin hợp tác với Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) để bố trí các cột tre, bê tông và trồng lại rừng ngập mặn, song Trưởng làng Wisanu lo ngại biện pháp đó có thể không đủ để chống lại sức mạnh thiên nhiên và ngôi làng vẫn bị chìm trong nước biển.
Tại Hội nghị thượng đỉnh hiệp ước tài chính toàn cầu diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 23/6 vừa qua, các nước giàu cam kết chi 100 tỷ USD hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu, đồng thời thành lập một quỹ bảo vệ đa dạng sinh thái và rừng.