Alăng Tèo, người giúp việc làng…
Ở A Xan (Tây Giang), anh Alăng Tèo (SN 1991) được biết đến như người giúp việc làng, góp mặt ở hầu hết sự kiện của địa phương; chừng như “cái cây của rừng” ấy đang dần bám rễ sâu bền, vươn cao đợi ngày tỏa bóng cho làng...
Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến nguồn suối dần cạn dòng, nước sinh hoạt không cung ứng đủ cho cả làng. Ngay lập tức, Trưởng thôn A Rầng (xã A Xan) - anh Alăng Tèo tổ chức họp họp làng, bàn phương án khắc phục. Sáng sớm hôm sau, một “đội quân” do Alăng Tèo dẫn đầu tiến sâu phía núi, tiến hành khơi dòng chảy, đưa nước sinh hoạt về phục vụ dân làng…
Nhớ đợt Tây Giang công bố quyết định của Chủ tịch nước công nhận quốc tịch Việt Nam đối với các công dân của Lào sinh sống tại địa phương, Alăng Tèo lúc đó vừa được bầu làm trưởng thôn, tham gia hướng dẫn, đồng thời kiêm thêm vai trò người dẫn chương trình.
Tốt nghiệp cao đẳng tại Trường Đại học TD-TT Đà Nẵng vào năm 2015, Alăng Tèo trở về quê tham gia phong trào đoàn tại địa phương. Năm 2017, anh được kết nạp Đảng, rồi được dân làng tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn khi bước qua tuổi 28. Sau nhiều năm phấn đấu, cuối năm 2022, Alăng Tèo được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen với thành tích tiêu biểu 5 năm liền (2018 - 2022) đạt tiêu chuẩn “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
“Mình làm được cái gì, thì làm hết trách nhiệm với dân, với làng. Ở vùng cao này, muốn người dân làm theo thì trước hết mình phải làm gương để dân thấy, dân tin. Tuyệt đối không thể nói suông và làm những việc không có lợi cho dân” - Alăng Tèo bộc bạch.
Thuyết phục cha hiến đất
Bẵng một thời gian không gặp, đầu năm 2023 Alăng Tèo gọi điện cho tôi lúc 4 giờ sáng báo tin vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến 5 ngôi nhà của người dân trong làng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhưng, đó chỉ là thông tin ban đầu. Bởi đầu dây bên kia, Alăng Tèo đang rất bận, cùng dân làng triển khai các phương án dập lửa nên không thể hỏi gì thêm.
Sau vụ hỏa hoạn, Alăng Tèo gần như không có thời gian ngơi nghỉ, có lúc mất ăn mất ngủ. Anh ngược xuôi cùng dân làng và cán bộ chiến sĩ các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, dân quân, y tế… tham gia công tác khắc phục, xử lý môi trường. Rồi ngược xuôi kết nối các nhà hảo tâm xin nguồn hỗ trợ, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.
Và cũng chính Alăng Tèo, cùng vài người có uy tín của làng A Rầng đến từng hộ dân vận động hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời cho các gia đình có nhà bị cháy.
“Khi số tiền hỗ trợ được trao ngày nhiều hơn, tôi đề xuất giao ban quản trị thôn quản lý, giữ hộ và được các gia đình đồng ý, tạo điều kiện dựng lại nhà cửa sau này” - Alăng Tèo chia sẻ.
Hành trình giúp việc cho làng, Alăng Tèo nói, anh nhớ mãi câu chuyện vận động hiến đất từ chính… cha ruột của mình, giúp bố trí chỗ ở cho 5 hộ dân khác bị sạt lở gây hư hại nhà cửa.
Đó là năm 2020. Sau trận mưa lũ, gần như cả 5 ngôi nhà đều bị bồi lấp, do sạt lở nghiêm trọng từ phía taluy dương. Để giải quyết khó khăn cho người dân, chính quyền địa phương chỉ đạo tìm vị trí bố trí nơi ở mới giúp 5 hộ dân an tâm sinh sống. Nhưng, với địa hình phức tạp, thời điểm đó, A Rầng không còn quỹ đất bố trí tái định cư cho các hộ phát sinh. Vì thế, buộc phải vận động, xin hiến đất sản xuất từ các hộ dân trong làng.
“Lúc đó, sau cuộc họp thôn, tôi về nhà động viên cha mình hiến đất. Lúc đầu, cha tôi không đồng ý, với lý do phần lớn đất xây dựng khu tái định cư A Rầng này đều là đất của ông hiến tặng. Hơn nữa, vị trí đất xin bố trí lần này, đang là khu đất sản xuất, nơi canh tác duy nhất của gia đình” - Alăng Tèo kể.
Vốn rất hiểu tính cách của cha, nên chỉ sau thời gian ngắn, Alăng Tèo đã tìm cách thuyết phục ông tình nguyện hiến đất giúp địa phương bố trí nơi ở mới an toàn cho 5 hộ dân trong làng.
“Bản thân cha tôi cũng là cán bộ, đảng viên hưu trí nên khi nghe tôi giải thích, ông đã đồng ý. Sở dĩ trước đó, là do ông lo cho anh em chúng tôi sau này không có đất sản xuất để canh tác, làm ăn sinh sống. Về sau, ông nói với tôi: thật ra, chuyện hiến đất cho dân làng là điều ông không tiếc. Bởi đó là cách mà ông muốn giúp đỡ người khó khăn, tạo sự đoàn kết thống nhất theo tinh thần học tập và làm theo gương Bác” - Alăng Tèo tâm sự.
Đi lên, từ tư duy đổi mới
Tôi ngược núi lên Tây Giang sau dịp sau Tết Nguyên đán để trao quà cho các gia đình có nhà bị cháy. Giữa trưa, trời vùng cao đứng gió nhưng thật kỳ lạ, A Rầng lại trở nên mát rượi. Khung cảnh của làng, được tạo nên bởi một hình cánh cung rộng lớn, ở giữa là gươl, xung quanh được trồng những hàng cây đào đang vào mùa sắc hoa bung nở, rất thú vị.
Một phụ nữ trạc tuổi 40, nhà cạnh gươl nói, ở A Rầng, gần như nhà nào cũng đều trồng cây đào. Chủ trương này là do Trưởng thôn Alăng Tèo khởi xướng, vừa tạo nên cảnh đẹp cho làng, vừa mở rộng phát triển mô hình du lịch mới trong cộng đồng vùng cao.
Những kỳ vọng ấy, mang đến từ cây đào, khi loài cây này hằng năm cho ra hoa tươi rực rỡ vào những ngày cận Tết Nguyên đán, thu hút du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm. Tận dụng cơ hội này, những năm gần đây, Trưởng thôn Alăng Tèo vận động các hộ dân trồng mở rộng dọc lối đi xung quanh làng, tạo điểm nhấn đặc trưng cho khung cảnh làng quê biên giới.
Bí thư Chi bộ thôn A Rầng - Pơloong Tấn nói, không chỉ trồng phát triển tại làng, từ ý tưởng của mình, Alăng Tèo nghiên cứu ươm giống thành công từ quả cây đào, sau thời gian nhân rộng mô hình đã phát triển thành cây giống đào A Xan, xuất bán cho người dân các vùng lân cận triển khai nông thôn mới.
“Thỉnh thoảng, cũng có vài người tìm mua cây đào giống, giúp người dân có thêm thu nhập, từ đó khuyến khích trồng và chăm sóc hơn” - ông Pơloong Tấn nói.
Thay đổi tư duy, nếp nghĩ trong phát triển kinh tế, từ việc làm gương, Alăng Tèo đã truyền cảm hứng cho cộng đồng Cơ Tu ở làng A Rầng trong việc giữ rừng, khai thác hiệu quả giá trị kinh tế dưới tán rừng.
Như mô hình trồng đảng sâm kết hợp các loài dược liệu đặc trưng của vùng, mang hiệu quả kinh tế cao. Sau tháng năm miệt mài, nhiều hộ dân ở A Rầng dần nâng cao thu nhập, điển hình Bríu Ký với hơn 2ha vườn trồng đảng sâm, góp sức cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Khác nữa ở A Rầng, là chuyện người dân chuyển đổi phương thức sản xuất phát nương làm rẫy sang trồng lúa nước. Nhiều diện tích lúa được phục hồi sau bão lũ bằng sức lực của cộng đồng. Họ đoàn kết, duy trì tục góp công giúp nhau vượt qua gian khó.
“Tất cả là nhờ công sức của Alăng Tèo. Kể từ khi được bầu làm trưởng thôn vào năm 2019, anh Tèo đã định hướng người dân phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tiêu biểu như mô hình sả chanh, đảng sâm, gừng, nghệ, đậu xanh lòng… mang giá trị sản phẩm OCOP cho hiệu quả kinh tế cao, giúp tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm giảm dần còn 48% theo chuẩn mới” - ông Pơloong Tấn nhấn mạnh.
Cơn mưa núi bất ngờ ầm ào đổ xuống vào chiều tối hôm trước khiến nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ đồng bào Cơ Tu ở A Rầng bị… tắc. Tờ mờ sáng, Alăng Tèo huy động một tốp thanh niên mang theo cuốc xẻng, tiến vào đầu suối để tu sửa. Không lâu sau, nước đã được chảy trở lại trong niềm vui của dân làng…