Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống giao thông đường bộ

CÔNG TÚ 23/06/2023 08:34

Nhiều biện pháp, giải pháp đã được Sở Giao thông vận tải Quảng Nam triển khai để dần thay đổi phương pháp quản lý, vận hành khai thác các công trình giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu lưu thông an toàn, thông suốt.

Ngành GTVT sẽ rà soát, có phương án tổ chức lưu thông hợp lý, an toàn tại điểm đầu đường Võ Chí Công, giao nhau với tuyến ĐT603B (địa phận Hội An). Ảnh: C.T
Ngành GTVT sẽ rà soát, có phương án tổ chức lưu thông hợp lý, an toàn tại điểm đầu đường Võ Chí Công, giao nhau với tuyến ĐT603B (địa phận Hội An). Ảnh: C.T

Đổi mới tư duy

Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Quảng Nam đã có bước phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình giao thông có quy mô lớn đã được đưa vào khai thác như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến ĐT607 (Điện Bàn - Hội An), đường Võ Chí Công (Hội An - Núi Thành), tuyến ĐT609 (Điện Bàn - Đông Giang),…

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Văn Anh Tuấn chia sẻ, lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường cũng gia tăng rất nhanh, nhất là ô tô con. Sự phát triển của GTVT đường bộ đặt ra nhu cầu cấp thiết về tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), tạo thuận lợi cho người điều khiển phương tiện và lực lượng chức năng kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

Ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) cho biết, từ tháng 10/2022 ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định một số nội dung về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Sở GTVT còn thành lập Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông để đảm nhận nhiệm vụ quản lý khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng giao thông do ngành trực tiếp quản lý.

Lấy nhiệm vụ đảm bảo ATGT làm hành động đột phá, Sở GTVT rà soát, lập phương án tổ chức giao thông, trọng tâm là các tuyến có lưu lượng phương tiện lớn như ĐT603B (Điện Bàn - Hội An), ĐT607, ĐT609, ĐT609B (Đại Lộc), ĐT611 (Quế Sơn - Nông Sơn), yêu cầu các địa phương kiểm tra xác định điểm có nguy cơ cao mất ATGT, nắm bắt những vấn đề nổi cộm gây mất ATGT, như việc giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; ATGT trước trường học bên các tuyến đường lớn, đặc biệt là QL1.

Kết quả rà soát đã phát hiện nhiều hạn chế về tổ chức giao thông trên QL, ĐT do lịch sử để lại. Điển hình như cắm biển báo hiệu còn tùy tiện, không phù hợp với đặc điểm giao thông và kết cấu hạ tầng gây khó khăn, ức chế cho người tham gia giao thông.

Từng bước chấn chỉnh

Ông Văn Anh Tuấn cho hay, từ cuối năm 2020 đến nay, Sở GTVT đã tham mưu tăng cường nguồn vốn bảo trì đường bộ cải tạo, khắc phục những khiếm khuyết của kết cấu hạ tầng như mở rộng các nút giao, tăng cường hệ thống vạch sơn, báo hiệu, tiêu phản quang.

Điển hình như cải tạo nút giao QL40B với đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cải tạo nút giao QL40B với đường nội thị thị trấn Trà My, nút giao lý trình km1024 trên QL1, cải tạo các đường cong bán kính nhỏ trên đèo Le thuộc tuyến ĐT611…

Ngành còn tăng cường và chuẩn hóa hệ thống hỗ trợ ATGT, như gờ giảm tốc tại đường nhánh nối vào các tuyến QL, ĐT; bổ sung hệ thống sơn mắt võng, tiêu dẫn hướng, mắt phải quang, tường hộ lan…

Ngành cũng đã nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng cường ATGT các vị trí trường học bên cạnh QL1, xóa lối đi tự mở băng ngang qua đường sắt và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.

Triển khai Chỉ thị số 06 ngày 21/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã tiến hành rà soát hệ thống báo hiệu trên các tuyến đường được giao quản lý; thực hiện thay thế, bổ sung để bảo đảm phù hợp với Quy chuẩn báo hiệu đường bộ.

Theo ông Võ Công Phúc, riêng trong tháng 5 và tháng 6, ngành chức năng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đánh giá hệ thống đường bộ được giao quản lý để xác định các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đánh giá các giải pháp tổ chức giao thông hiện tại để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý.

Qua rà soát đã xác định rất nhiều vướng mắc, hạn chế về tổ chức giao thông, nhất là các biện pháp liên quan đến vận tốc phương tiện lưu thông. Đơn cử, việc giới hạn các khu đông dân cư trên tuyến đường bộ thiếu sự thống nhất giữa hệ thống đường QL, ĐT, đường huyện; phạm vi giới hạn không phù hợp; hệ thống biển báo cấm còn tùy tiện, chưa được người có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật… Những hạn chế trên sẽ được tổng hợp, đề xuất xử lý trong thời gian sớm nhất.

Những giải pháp Sở GTVT đã thực hiện chỉ là bước khởi đầu, đánh dấu sự chuyển biến trong công tác quản lý, vận hành khai thác công trình giao thông đường bộ, góp phần quan trọng cho “mạch máu” lưu thông luôn thông suốt, an toàn và thuận lợi.

CÔNG TÚ