Mai sau có còn gọi làng?
(ĐS 21/6) - Xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nhiều làng quê xứ Quảng phát triển rất nhanh, song cũng từ đó gợi lên nhiều điều trăn trở từ cơn lốc bê tông hóa, phá vỡ cảnh quan tự nhiên và khó nhận diện đâu là làng, đâu là phố.
Làng Phú Đông (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) quê tôi bao đời nay vẫn vậy, hầu hết dân sinh sống tập trung một chỗ từ đất đai vườn tược của ông bà cha mẹ để lại; các hộ trước đây có nhà ở ven sông Trường Giang bị ngập úng vào mùa lụt đã chuyển ra sinh sống ở khu tái định cư từ mấy chục năm qua.
Bóng làng cũ không khác xưa mấy, vẫn còn đó lũy tre già ở góc vườn nhà ai đong đưa trước gió. Cánh đồng nằm giữa các khu dân cư hiện hữu như một công viên xanh, mà mỗi chiều hè bọn trẻ thường ra thả diều, hà hít bầu không khí trong lành. Nhà ở nào trước đây cũng gắn với một mảnh vườn, nhỏ lắm thì vài trăm mét vuông, rộng lên đến cả mẫu; cùng với đó là thiết kế một cái sân rộng, mục đích là để phơi lúa, sắn…
Rồi các dự án mang tên “tái định cư”, “khai thác quỹ đất”, “sắp xếp dân cư vùng đông”, kể cả lo bố trí đất cho người chết, theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt chuẩn, nâng cao đã tạo ra những cảm xúc vui buồn đan xen, để lại không ít tiếng thở dài...
Ông Nguyễn Xuân Cung, người dân thôn Phú Đông cho biết: “Tôi ngoài 60 tuổi, ủng hộ việc nhà nước thu hồi đất của gia đình làm khu dân cư, nhưng nghĩ đến cảnh mai này sinh hoạt trong ngôi nhà ống, thiếu đất vườn trồng rau, nuôi gà, chán lắm!”.
Hộ ông Cung là một trong số ít gia đình ở làng bị giải tỏa trắng để xây dựng dự án Khu dân cư thôn Phú Đông (dự án do UBND TP.Tam Kỳ làm chủ đầu tư). Trăn trở của ông Cung cũng là nỗi niềm chung của người dân quê tôi, khi dự án sắp tới chắc chắn sẽ phân lô bán nền, với kiểu tư duy đất ở vùng nông thôn thiết kế diện tích y hệt khu đô thị. Nghĩa là đất ở bố trí thường từ 100 - 200m2, nhà cửa sẽ được xây dựng san sát, thiếu một diện tích vừa đủ để dân có thể trồng rau quả.
Soi lại 19 tiêu chí xây dựng xã NTM đạt chuẩn lẫn NTM nâng cao, kiểu mẫu thì thấy, công tác lập, triển khai quy hoạch là tiêu chí được đặt lên vị trí hàng đầu. Trong báo cáo thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025, thống kê đến cuối năm 2022, các địa phương Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành có 100% xã đạt chuẩn NTM. Điều đó có nghĩa các xã đều đảm bảo tiêu chí quy hoạch.
Thực tế là nhiều xã sau này khi lập quy hoạch NTM, đã được thừa hưởng nền móng của không gian sống quá tốt trước đó của địa phương (đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, làng quê hiện hữu, thu nhập đời sống người dân cao hơn vùng khác…).
Song, không ít xã phải thiết kế lại không gian sống, với việc tham vấn ý kiến cộng đồng ban đầu hời hợt và chất lượng quy hoạch thấp dẫn đến nhiều hệ lụy về xã hội, môi trường… Rõ nhất là ngay từ khâu lập quy hoạch, yếu tố kế thừa nét đẹp của làng quê ít được quan tâm. Nhiều vùng quê đã và đang có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê”.
Hiện nay, dù các xã có quy hoạch xây dựng NTM, nhưng cơ chế quản lý, thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng ra sao vẫn còn khá lỏng lẻo, thậm chí còn bỏ ngõ.
Một số nơi nhà cao tầng ngang nhiên xây dựng, trong khi lại thiếu mẫu thiết kế nhà kiểu mẫu cho khu vực nông thôn. Các công trình nhà ở nguy nga, hiện đại nhưng lạc lõng với khung cảnh làng quê. Đi vào các khu tái định cư, dân cư cảm giác như lạc vào khu phố mới nhưng thiếu không gian sinh thái.
Ở nhiều khu dân cư, tái định cư xây mới hiện nay dễ nhận thấy sự bất hợp lý trong phân bố không gian (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh…).
Lưu ý về mục tiêu xây dựng NTM, có lần, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nói: “Đừng đồng phục hóa làng quê”. Và gần đây nhất, Chỉ thị số 04 ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống, hy vọng sẽ tạo ra luồng gió mới trên lộ trình xây dựng NTM ở Quảng Nam thực chất và hiệu quả.