Quanh mấy bút danh "lạ"
(ĐS 21/6) - Trong nghề viết, đôi khi bắt gặp những bút danh “lạ” mà nếu lần theo sẽ thấy đấy không chỉ là ký hiệu, là cái tên để nhận biết mà có thể hé lộ cả quê hương, sự nghiệp, số phận…
“Chẳng Việt Nam tí nào”
Thi thoảng vẫn thấy có ý kiến chê trách giới trẻ thời nay chọn nghệ danh “lai Tây”, sính ngoại. Nhưng ngay từ thuở Thơ Mới, cũng đã có những “bút danh” kiểu như thế.
Đơn cử J.Leiba, người được Hoài Thanh – Hoài Chân chọn 4 bài thơ giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam”. J.Leiba “chính tên là Lê Văn Bái”, sinh ở Yên Bái, chánh quán Nam Định.
Từ năm 1942, Hoài Thanh – Hoài Chân đã buông lời nhận xét: “Thơ đăng báo Loa với một tên ký chẳng Việt Nam tí nào, thế mà vừa ra đời Leiba liền được người ta thích” (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học 1996, trang 232).
Kiểu bút danh “chẳng Việt Nam tí nào” sau này còn bắt gặp ở A.Pazzi, tác giả cuốn “Người Việt cao quý” viết tháng 5/1965. Giờ thì mọi chuyện đã quá rõ, nhất là khi chính nhà văn gốc Quảng - Vũ Hạnh - “bạch hóa” bút danh cũ A.Pazzi hồi năm 1992, nhân dịp tái bản “Người Việt cao quý”.
Ông kể, thời điểm Chính phủ Hoa Kỳ chuẩn bị đổ quân ồ ạt vào miền Nam để cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn đang rệu rã, khoảng tháng 4/1965 ông được gọi ra mật khu Hố Bò học tập tình hình và được ông Trần Bạch Đằng khuyên: “Lúc này, viết cái gì đó đề cao dân tộc là cách đánh Mỹ tốt nhất của người cầm bút”. Ý tưởng viết “Người Việt cao quý” ra đời từ đó...
Nhưng sẽ ký bằng bút danh gì, khi ông Vũ Hạnh đang hoạt động nội thành, bị 3 lần tù và luôn bị theo dõi? Viết xong, làm sao in? Chưa kể, người Việt lại viết khen người Việt khác nào “mèo khen mèo dài đuôi”? Thế là ông tìm một bút danh nước ngoài. Lại chọn. Nếu là tác giả Pháp, Mỹ hay Nga cũng phản tác dụng; chỉ có Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đồ Nha vốn dĩ là những người hiểu biết Việt Nam lâu đời.
“Tôi muốn tự khẳng định với chính mình là lòng yêu quý dân tộc luôn bất di bất dịch, nên bèn chọn tiếng Pazzi, và tiếng này vốn có âm hưởng Ý nên cho là tác giả Ý” - nhà văn Vũ Hạnh hồi tưởng (Người Việt cao quý, Hội Liên hiệp VHNT TP.Hồ Chí Minh tái bản năm 1992, Lời nói đầu, trang 5).
Chuyện xung quanh cái tên “giả” A.Pazzi không dừng ở đó. Ngay nhà văn Vũ Hạnh cũng không ngờ Pazzi là dòng họ có thật. Bởi mãi đến sau năm 1975, ông tình cờ đọc được bài nghiên cứu lịch sử nhan đề “Cuộc âm mưu khởi loạn của dòng họ Pazzi” (La conjuration des Pazzi) trên tờ báo Histora, mới phát hiện Pazzi là một dòng dõi quý tộc thế lực ở Ý vào khoảng thế kỷ 15. “Tưởng tượng nhiều khi vẫn không vượt khỏi sự thực” - ông viết.
Giờ đọc hồi ký của người trong nghề báo, lại thấy một số trường hợp đặt bút danh rất tếu, và sự thực lại vượt xa trí tưởng tượng.
Hồi ký “41 năm làm báo” của Hồ Hữu Tường có đoạn kể về quãng năm 1925, nhóm của ông sốt sắng đọc tờ “Đông Pháp thời báo” do báo này đăng tải vụ án cụ Phan Bội Châu bị đưa ra xử ở tòa Đề hình Hà Nội.
Trong số các độc giả trẻ, có Trần Thiêm Thới, người Hà Tiên, sau hợp tác với thi sĩ Đông Hồ xuất bản một tạp chí. Do ông Thới cao nghều nghệu, nên nhóm ông Tường đặt tên “cây tre Hà Tiên”. Sau này vào làng báo, ông Thới ký luôn tên Trúc Hà, để nhắc về loài tre trúc Hà Tiên.
Nhưng chuyện đổi tên Việt sang Pháp, rồi nói lái, thì càng hiếm, như trường hợp ông Hồ Hữu Tường. Khi ông Trúc Hà làm chủ bút tờ báo của trường, ông Tường được giao viết bài bằng tiếng Pháp. Vốn được bạn bè đặt cho biệt hiệu Tường “Bụng”, nên ông Tường tự dịch chữ “bụng” ra “Ventru” (bụng bự, tiếng Pháp), sau đó nói lái Ventru thành… Vutren. Bút danh cuối cùng được ký là Pierre Vutren.
Thêm “Xuân” cho Hồ Dzếnh
Bút danh là lựa chọn của riêng mỗi tác giả, thường được dụng tâm một chút (ngoài những người dùng tên thật). Như Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu vốn ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà quê hương ông. Như Tô Hoài – Nguyễn Sen, ghép từ tên đầu của con sông Tô Lịch chảy qua làng Nghĩa Đô nơi ông sống (chữ Tô) và phủ Hoài Đức nguyên quán (chữ Hoài)…
Riêng Hồ Dzếnh là một trường hợp lạ. Trong tập truyện “Sáng trăng suông” in năm 1998, NXB Hội Nhà văn giới thiệu chi tiết về tiểu sử Hồ Dzếnh, trong đó khẳng định một số sách báo cũ nói ông người Minh Hương là “không đúng hẳn”, thậm chí ông “không có liên quan gì đến người Hoa ở vùng Minh Hương này”.
Minh Hương, tức quê hương của người Minh, danh từ chỉ vùng đất thuộc Quảng Nam, nơi có nhiều người Trung Quốc chạy sang Việt Nam từ thời nhà Minh... Ấy bởi, vào những năm cuối của thế kỷ 19, ông Hà Kiến Huân từ Quảng Đông (Trung Quốc) mới di cư sang Việt Nam, lấy vợ Việt và sinh ra Hồ Dzếnh ở Thanh Hóa. Hồi nhỏ, Hồ Dzếnh tên là Hà Triệu Anh. “Hồ Dzếnh” đơn giản chỉ là phiên âm của chữ “Hà Anh” theo giọng Quảng Đông.
Nhưng bút danh Hồ Dzếnh vẫn chưa yên, sau này có người còn sửa thành… Hồ Xuân Dzếnh. Người dám sửa tên Hồ Dzếnh chính là “dị nhân” Bùi Giáng, viết trong cuốn “Thi ca tư tưởng” (Ca Dao xuất bản lần thứ nhất năm 1969).
“Tôi thêm chữ Xuân vào tên ông, ấy chẳng phải là hoàn toàn làm điều phi lý. Chính ông đã có tập thơ Hoa Xuân Đất Việt. Tôi không thể tự ban thêm cho mình một tiếng xuân vào trong tên tuổi. Nhưng riêng biệt với Hồ Dzếnh, chúng ta được quyền gọi ông là Hồ Xuân Dzếnh” - Bùi Giáng giải thích.
Để biện hộ thêm, Bùi Giáng mở rộng bình phẩm về “một loại xuân kỳ lạ cứ về kêu gào làm nứt rạn những vần lục bát của ông”, rằng “chất thơ xuân của ông (tức Hồ Dzếnh – NV) từ đó mang tính chất hàm hỗn bát ngát”, xuân “vui mà nghe như buồn”, “buồn mà nghe như vui”… Quả thực, chỉ có Trung niên thi sĩ Bùi Giáng mới đủ lý lẽ để thuyết phục độc giả chấp nhận chuyện cải sửa tên của một tác giả lớn như Hồ Dzếnh.
Thêm một người sinh ở Sóc Trăng nhưng tổ tiên quê Phúc Kiến (Trung Hoa) cũng sở hữu một tên lạ. Chuyện rằng, cụ Vương Kim Hưng đặt tên cho đứa con mới sinh là Thạnh (đọc giọng Nam), hoặc Thịnh (giọng Bắc), lót chữ “Hồng” bộ thủy, vì coi tử vi thấy mạng đứa con thiếu thủy.
Nhưng đến lúc làm khai sinh, nhân viên giữ sổ lục bộ người Hoa lại ghi “Thạnh” thành “Sển”, theo cách phát âm tiếng Triều Châu. Sau này, thân phụ muốn đổi tên khác mà đứa con vẫn không chịu. Cụ Vương Hồng Sển - đứa con ở Sóc Trăng ấy quyết mang theo cái tên “bị ghi nhầm” để vào đời, và thành danh.