Khu vực đô thị loại I, II, III quy định chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê là khó khả thi
(QNO) - Sáng nay 19/6, theo chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, có liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Dương Văn Phước cho rằng, việc phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở quy định khoản 5 Điều 7 đó là “Tại các khu vực của phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, tại các đô thị loại I, loại II và đô thị loại III, chủ đầu tư dự án phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua…” như dự thảo luật là chưa phù hợp, không khả thi, vì văn hóa mỗi địa phương khác nhau, người dân vốn thích tự xây nhà ở theo sở thích và khả năng hiện có.
Đối với đô thị loại II, loại III mà bắt buộc đầu tư xây dựng nhà ở thì rất khó bán ra, dễ bỏ hoang, xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị. Do đó, đề nghị chỉ quy định nội dung này với đô thị loại đặc biệt. Còn các đô thị loại I, II, III nên phân cấp để UBND cấp tỉnh, tùy theo điều kiện cụ thể, căn cứ vào quy hoạch, định hướng phát triển, cảnh quan đô thị để quyết định bắt buộc phải xây nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho người dân tự xây nhà hoặc chỉ quy định mặt tiền các tuyến đường khu vực và các tuyến đường chính đô thị thì chủ đầu tư phải xây dựng nhà để bán, cho thuê, còn lại được phần lô bán nền cho người dân tự xây dựng nhà.
Về đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng được thuê nhà ở công vụ (khoản 1 Điều 47) là “cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng đến công tác tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo”. Và quy định rõ điều kiện để người được tuyển dụng được áp dụng chính sách ưu đãi này cho chặt chẽ.
Hiện nay dự thảo luật chỉ quy định cán bộ, công chức, viên chức… được điều động, luân chuyển đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo. Việc bổ sung quy định này nhằm khuyến khích người lao động có kỹ năng, trình độ, năng lực đến làm việc tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, thực tế hiện nay khu vực này thiếu cán bộ, công chức, viên chức nhưng không tuyển được.
Về quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ (Điều 49), đại biểu Dương Văn Phước đề nghị giữ nguyên quy định về nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ là “Không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ” như Luật Nhà ở năm 2014, kể cả không được tự ý cải tạo, sửa chữa, phá dỡ căn hộ được bố trí làm nhà ở công vụ. Phải quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng được ở nhà ở công vụ, vì nhà ở công vụ là nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, hết thời hạn công tác thì trả lại Nhà nước. Dự thảo luật bỏ quy định này rất vô lý, vì nếu bỏ quy định này sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cho thuê lại kiếm lợi, không đảm bảo công bằng, trong khi hiện nay quỹ nhà ở công vụ không đáp ứng đủ nhu cầu bố trí nhà ở công vụ.
Về hình thức phát triển nhà ở xã hội, khoản 3 Điều 77 quy định giao “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua”, đại biểu thống nhất với việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn vốn nào. Để bảo đảm tính minh bạch, xác định rõ trách nhiệm về những rủi ro khi thực hiện dự án đầu tư, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xác định nguồn kinh phí đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp.
Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng các thiết chế công đoàn tại Quyết định số 655 ngày 12/5/2017 nhưng chưa triển khai được bao nhiêu, có nhiều khu công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng. Do đó, cần cân nhắc, quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật.