Giảm hộ nghèo ở Đông Giang: Tìm nguyên nhân, xác định giải pháp thực hiện

KHẢI KHIÊM (thực hiện) 18/06/2023 10:55

(QNO) - Số hộ nghèo theo chuẩn mới ở Đông Giang còn ở mức cao. Để giảm nghèo bền vững, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện cho giai đoạn sắp đến. PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang để làm rõ hơn về giải pháp sẽ thực thi trong thời gian tới.

Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang. Ảnh: CT
Ông Đinh Ngọc Thanh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang. Ảnh: CT

PV: - Đông Giang là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, hộ nghèo cuối năm 2022 chiếm tỷ lệ 45,18%. Địa phương xác định nguyên nhân do đâu mà số hộ nghèo trên địa bàn còn ở mức cao như vậy, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Thanh: Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt nhiều thành tựu và kết quả nổi bật.

Theo kết quả điều tra, rà soát đến cuối năm 2022, toàn huyện có tổng số 7.512 hộ dân. Trong đó, hộ nghèo chiếm 3.394 hộ (tỷ lệ 45,18%), giảm so với năm 2021 là 511 hộ (giảm 7,7%); 490 hộ cận nghèo (tỷ lệ 6,52%), tăng so với năm 2021 là 337 hộ (tăng 4,45%). Cùng với đó, năm 2022, số hộ thoát nghèo là 583 hộ; hộ nghèo phát sinh mới 72 hộ (tái nghèo 18 hộ).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn bộc lộ một số tồn tại hạn chế. Chẳng hạn, việc bố trí nguồn vốn, cơ chế khuyến khích đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo chưa phù hợp theo đặc thù vùng miền. Xét chọn hộ, chọn mô hình tham gia dự án hỗ trợ sản xuất và đa dạng sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa đổi mới cả tư duy nhận thức và phương thức sản xuất; ngược lại nguồn lực tập trung cho mô hình dàn trải bình quân chia đều.

Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo còn gặp khó khăn do định suất thấp, yêu cầu phải vay vốn chính sách, đóng góp của dòng tộc, cộng đồng. Chuyện điều tra, rà soát xác định hộ nghèo tại một số địa phương còn lúng túng do tiêu chí có thay đổi nhưng hướng dẫn chưa cụ thể. Tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo tại một số địa phương cấp xã có lúc chưa kịp thời do áp lực về thời gian và chỉ tiêu giao.

Ban Chỉ huy quân sự huyện Đông Giang trao tặng sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: A TING HÀN
Ban Chỉ huy quân sự huyện Đông Giang trao tặng sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: A TING HÀN

Nguyên nhân của hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Nhưng chung lại, huyện xác định chủ yếu là do công tác triển khai thực hiện các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ sản xuất và đa dạng sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm. Cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở chưa ổn định, thường xuyên thay đổi. Một bộ phận người nghèo thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của chính quyền và cộng đồng…

PV: - Ông cho biết đâu là các mục tiêu trọng tâm đã được Đông Giang xác định trong thực hiện giảm nghèo bền vững?

Ông Đinh Ngọc Thanh: Trước hết, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới cho các xã, thị trấn; tập trung vào xã đặc biệt khó khăn, xã đăng ký về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ để cải thiện tiêu chí về thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo để thoát nghèo bền vững. Đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; cho vay ưu đãi.

Hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao; giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng. Tư vấn thị trường tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng lao động nghèo cận nghèo của địa phương. Xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, giảm nghèo hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới, có hiệu quả vào sản xuất để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận, học tập, tham gia, đồng thời kết hợp giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.

Hỗ trợ cải thiện các chỉ số thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả chính sách giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh; thông tin để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản. Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cấp về chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo cơ sở; kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình ở các cấp; điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Huy động nhiều nguồn lực phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước kịp thời, đủ để thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Đặc biệt, chú trọng huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

PV: - Những các giải pháp cốt yếu nào sẽ áp dụng để triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tế, thưa ông?

Ông Đinh Ngọc Thanh: Huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền, phối hợp và giám sát của Mặt trận, các hội đoàn thể để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025.

Đông Giang cũng sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, như đường giao thông, công trình điện, y tế, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi; công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa như trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao xã, thôn, xóm; cùng công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của đề án và quy hoạch của huyện.

Ngoài ra, huyện còn tập trung đầu tư xây dựng các khu tái định cư để đảm bảo ổn định chỗ ở, sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Hỗ trợ các điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm; cải thiện chất lượng sống để giải quyết thiếu hụt về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chương trình hỗ trợ giảm nghèo…

PV: - Xin cảm ơn ông!

KHẢI KHIÊM (thực hiện)