Hiểu thấu nghĩa từ "du lịch"

THỤY BẤT NHI 18/06/2023 06:16

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, phải chăng mới chính là tư duy đi “du lịch” của ông cha ta? Hiểu thấu nghĩa từ “du lịch” như vậy, sẽ hiểu hơn vì sao ông cha người Việt lại chọn từ du lịch cho ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Xét về chữ Hán, lữ (旅) có nghĩa là ở trọ, khách trọ, du (游) nghĩa là ngắm nhìn, bơi lội… Từ lữ du, vì thế có thể hiểu cô đọng là động thái ở lại tại đâu đó và tùy ý đi ngắm nhìn quang cảnh. Nghĩa từ lữ du, theo đó, chỉ dừng lại ở hình thức tổ chức, thực hiện, là việc đưa người đến địa điểm nào đó để thưởng ngoạn phong cảnh, thưởng thức khung cảnh, cái đẹp và có sự lưu trú ở lại nếu đi dài ngày.

Để chỉ hoạt động đi lại du lịch, người Trung Quốc dùng từ “lữ hành”, với chữ lữ cũng giữ nguyên nghĩa ở trọ, và chữ hành nghĩa là động tác, hành động. Nên lữ hành có nghĩa chỉ việc đi đến đâu đó, lưu trú lại để tham quan cảnh vật.

Những nghĩa từ này, đều thuộc về Hán ngữ hiện đại.

Còn với Hán ngữ cổ, nhất là sau khi đã biến thiên qua tiếng Việt, trở thành từ Hán Việt, hoạt động đi lại, lưu trú tham quan đó, được gọi là “du lịch”.

Chữ du (遊) ở đây, không có nghĩa là ở trọ, mà là chữ du có nghĩa đi chơi, được viết với chữ du (ở trọ) có thêm bộ sước (bước đi) bên dưới, để làm rõ nghĩa hơn, tức là có đi lại, có lưu trú, trong đó việc thực hiện đi lại là trọng yếu nhất.

Chữ lịch (歷), trong chữ Hán, vẽ hình một bàn chân đi qua khu rừng, có nghĩa là sự trải qua, sự trải nghiệm. Những gì đã thực tế trải qua, được gọi là lịch, ví dụ lịch sử, niên lịch, kinh lịch… Nghĩa là, với chữ lịch, con người sẽ phải trải qua một thực tế, và tất nhiên sẽ có kinh nghiệm, nắm bắt, hiểu biết hơn về vấn đề, địa điểm hay sự kiện vào thời điểm nào đó.

Vậy chữ du lịch, có nghĩa là đi chơi, qua đó nắm bắt, trải nghiệm, hiểu hơn về một vấn đề gì đó. Chính chữ lịch được chọn ở đây, nhấn mạnh đến tính chất cốt lõi của hoạt động du lịch, tức là không chỉ có thưởng ngoạn nhìn ngắm, tận mắt nhìn thấy sự việc cảnh quan, thỏa mãn ý thích trong lòng, sự hiếu kỳ về cái mới, cái lạ trong mỗi người; mà còn gắn với nghĩa phải đúc kết, rút ra, hiểu rõ thêm về một vấn đề nào đó trên thực tế. Đó có thể là một phong tục tập quán, địa chí về một vùng đất, một khu vực dân cư. Đó cũng có thể là một hoạt động, sự kiện nào đó, diễn ra ở địa điểm nào đó vào thời điểm nào đó.

Du lịch, như vậy không chỉ gói gọn trong ngữ nghĩa đi chơi đơn thuần, tiếp xúc với sự vật, sự việc một cách cảm tính; mà còn định nghĩa hoạt động du lịch rất gần với sự tiếp nạp, tìm kiếm, học hỏi thêm kiến thức cuộc sống.

Với cách hiểu này, trường nghĩa từ “du lịch” trong tiếng Việt, đã sử dụng nghĩa Hán Việt với tính phổ quát cao hơn, rộng mở hơn, và đặc biệt chính xác hơn về hoạt động du lịch. Người đi du lịch không đơn giản chỉ để thỏa mãn ý thích bản thân, mà còn phải có thái độ nghiêm túc, cầu thị, tự xác định việc tìm đến một vùng đất, một sự kiện còn nên gắn với kiến thức được bổ sung, trải nghiệm cuộc sống được có thêm một cơ hội cọ xát thực tiễn.

Đây chính là vấn đề, mà các tổ chức hoạt động du lịch lâu nay, rất cần nghiêm túc đánh giá, coi xét lại, để thực hiện đúng đắn hơn. Nếu đi du lịch chỉ để nếm món ăn, ngắm cảnh vật, nghe lịch sử… thì chỉ mới đi được một phần. Phải làm sao để du khách sau mỗi chuyến du lịch, được hiểu rõ hơn, biết thêm về một vấn đề nào đó, một vùng đất hay một điểm đến, đó mới là biết cách đi “du lịch” hiệu quả.

THỤY BẤT NHI