Bảo vệ trẻ trước nguy cơ gây tổn hại

LÊ QUÂN - VINH ANH 18/06/2023 06:16

Từ không gian mạng đến những kết nối trong thực tế, trẻ em cần được quan sát, chăm sóc theo hướng tốt nhất. Một hệ thống pháp luật và các thiết chế hỗ trợ hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực trẻ em, tránh mọi nguy cơ xâm hại trẻ em để đảm bảo một môi trường sống an lành đến với mỗi đứa trẻ...

Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em là trách nhiệm hàng đầu của cộng đồng. Ảnh: H.Q
Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em là trách nhiệm hàng đầu của cộng đồng. Ảnh: H.Q

Những “đám mây đen”

Những con số nhức nhối liên quan đến trẻ em vừa được Sở LĐTB&XH thống kê. Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam có 15 trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Lật lại con số của năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện 36 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi với số trẻ bị xâm hại  là 39 trường hợp, tăng 8 vụ so với năm 2021.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em năm 2022 nêu rõ, tình hình xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp, số lượng trẻ em bị tổn thương còn nhiều.

Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 được phát động với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” để các cơ quan, tổ chức cộng đồng xã hội cũng như gia đình, cá nhân sẽ chọn ra những giải pháp tốt nhất, thực hiện tốt nhất các quy định của pháp luật để giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến việc xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước cho trẻ em. Bên cạnh đó, đặt ra yêu cầu cho các cấp chính quyền trong việc chăm lo, quan tâm đầu tư nguồn lực như ngân sách địa phương, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em tại cấp xã, bố trí cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cấp cộng đồng...

“Số vụ dâm ô trẻ em gia tăng, đa số đối tượng xâm hại là người quen biết với nạn nhân, các đối tượng lợi dụng các em còn nhỏ tuổi chưa có ý thức phòng vệ hoặc lợi dụng sự sơ hở của cha mẹ, các cháu ở nhà một mình... để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này rất đa dạng, nhưng cơ bản là do sự suy đồi về đạo đức của một bộ phận đối tượng phạm tội, sự thiếu quan tâm của bậc phụ huynh đối với con em mình, trẻ em chưa được trang bị các kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân” (theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em). 

Cùng với đó, các thủ đoạn dụ dỗ trẻ em qua mạng xã hội ngày càng tinh vi. Tại Quảng Nam, năm 2022, Công an tỉnh đã điều tra và giải cứu thành công bé gái bị lừa làm nhân viên phục vụ quán karaoke tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của trẻ, các đối tượng xấu đã sử dụng internet để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em dưới 16 tuổi phục vụ tại các quán karaoke, massage ngày càng phổ biến.

Đại diện Công an tỉnh cho biết, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chưa kể, theo đại diện Sở LĐTB&XH, tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện games, điện tử, trẻ em truy cập các trang mạng internet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh có nguy cơ tăng cao. An toàn cho trẻ trên không gian mạng được đặt ra khi ngày càng nhiều các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hướng đến đối tượng là trẻ em sử dụng internet.

Những nguy hiểm rình rập trẻ em trên không gian mạng ngày càng nhiều. Một báo cáo do các tổ chức quốc tế ở Việt Nam công bố cho thấy, chỉ 1/3 trẻ sử dụng internet ở Việt Nam biết kỹ năng giữ an toàn trên mạng. Trẻ em có thể là nạn nhân, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên internet. 

Hiểm họa từ sông nước

Bên cạnh tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích từ môi trường sống vẫn là mối đe dọa đến sự an toàn của trẻ em. Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm trên địa bàn tỉnh thời gian qua là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ vấn đề này.

Mới đây nhất, tại huyện Núi Thành, một nhóm học sinh của xã Tam Nghĩa khi đến khu vực biển Bãi Rạng - giáp ranh giữa xã Tam Nghĩa và xã Tam Quang để tắm và có 3 em đã bị đuối nước.

Trong đó 2 em may mắn được những người đi cùng phát hiện cứu sống, em còn lại bị mất tích sau đó tìm thấy thi thể tại khu vực gần vị trí bị nạn. Bên cạnh các vụ đuối nước thương tâm khi tắm biển, nhiều nhóm học sinh cũng rủ nhau đến các ao hồ, sông suối để tắm và không may gặp nạn.

Tại huyện Núi Thành, chỉ trong vòng gần 1 tháng, tại các địa điểm du lịch, danh thắng trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, trong đó có 2 vụ thương vong liên quan đến học sinh.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022 toàn tỉnh đã xảy ra 33 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, bạo lực, trong đó, có 27 em tử vong do đuối nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 15 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước. Rõ là nguy cơ đuối nước luôn rình rập khắp mọi nơi, nhất là vào mùa hè, khi nhu cầu cho các hoạt động bơi lội cao.

Trong khi đó, theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Qua thống kê cho thấy, số vụ đuối nước tăng cao tập trung ở dịp hè.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đuối nước ở trẻ em, trong đó nhiều trường hợp xảy ra do bản thân trẻ không được trang bị các kỹ năng an toàn, nhiều trẻ không biết bơi; cùng với đó là sự chủ quan, bất cẩn của người lớn, không trông coi, giám sát trẻ em thường xuyên, để các em tự do đi lại, chơi đùa ở những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao hồ.

Bảo vệ trẻ ra sao?

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Quảng Nam thời gian qua luôn có sự đồng hành của nhiều cấp ngành. Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện công tác này.

“Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện sắp xếp đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và Quyết định 694 của UBND tỉnh…; theo đó, mạng lưới và hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em được hình thành đến từng thôn, khối phố và đi vào hoạt động, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em” - bà Trương Thị Lộc nói. 

Tuy nhiên, trước những tồn tại trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em với rất nhiều các nguy cơ đang đe dọa môi trường sống của của trẻ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã, các sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm quán triệt, nâng cao nhận thức đầy đủ ý nghĩa, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cả cộng đồng đối với việc chăm lo đến trẻ em.

“Cần tạo lập “địa chỉ đỏ” đối với các trẻ em trong điều kiện ngân sách, huy động nguồn lực trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn. Điều này nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp nhận trường hợp trẻ đặc biệt khó khăn nhất, khó khăn trong lĩnh vực, hoàn cảnh nào, để có sự tiếp cận, hỗ trợ sát đúng và kịp thời” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.

LÊ QUÂN - VINH ANH