Triển khai phòng ngừa và hỗ trợ cho trẻ
Từ việc ngăn ngừa lao động sớm cho đến trang bị các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích là điều cần thiết để trẻ em phát triển.
Ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em
Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6) năm nay với chủ đề "Công bằng xã hội cho tất cả mọi người. Hãy chấm dứt lao động trẻ em!" được Quảng Nam tổ chức lễ mít tinh đầy ý nghĩa.
Hiện tổng số trẻ em tại Quảng Nam là 366.931 trẻ em, trong đó có hơn 13 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây cũng là số trẻ em dễ rơi vào tình trạng lao động sớm nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, có rất nhiều hậu quả khi để trẻ em lao động sớm. "Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp. Hiện vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Việc ngăn ngừa, giải quyết các nguy cơ về lao động trẻ em cũng không chỉ bằng một biện pháp, chính sách đơn lẻ mà đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ lao động trẻ em và cần có sự chung tay tham gia tích cực của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, đến doanh nghiệp, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng dân cư" - bà Lưu Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Năm 2022, TP. Tam Kỳ được UBND tỉnh phê duyệt là địa điểm thực hiện dự án "Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm: bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu tại Việt Nam" (gọi tắt là dự án ACE) do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức Tầm nhìn thế giới với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho hay, thành phố có hơn 26 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 22% dân số. Trong số này, có 295 trẻ em thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt và 1.186 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết số trẻ này đang học phổ thông, ngoài giờ học các em phụ giúp gia đình việc nhà, bán hàng tại gia đình, phụ quán cà phê, dệt chiếu, bán vé số trong dịp hè...
Chưa kể, Tam Kỳ là nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp và có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nên sẽ có nhiều trẻ em từ các huyện miền núi theo ba mẹ về thành phố để tạm trú, tìm việc làm. Như vậy trẻ em có nguy cơ phải, hoặc bị sử dụng lao động trái quy định pháp luật rất lớn.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc nói, sẽ tăng cường thực thi các chính sách và khung pháp lý liên quan, dịch vụ hỗ trợ, cũng như tăng cường quan hệ đối tác để đẩy nhanh tiến độ xử lý và ngăn ngừa các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại. Việc nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, can thiệp tại cộng đồng, tăng cường quan hệ đối tác và tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em... sẽ là những hợp phần mà dự án ACE thực hiện trong tương lai.
Và không chỉ với TP.Tam Kỳ, các địa phương trên toàn tỉnh cần thiết phải siết chặt quản lý và chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Trẻ em năm 2016, Công ước Quốc tế ILO cũng như các quyết định, kế hoạch đã được Chính phủ và UBND các cấp ban hành. Yêu cầu xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trẻ em, người chưa thành niên trái với quy định của pháp luật được đặt ra cho tất cả địa phương...
An toàn cho trẻ
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, trước những vụ đuối nước đau lòng ở trẻ em xảy ra trong thời gian qua, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030. Đây là kế hoạch nhằm kiểm soát, giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu đảm bảo tất cả huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình tại địa phương có hiệu quả, từng bước giảm thiểu trường hợp tai nạn đuối nước. Nhiều hoạt động thiết thực đang được Sở VH-TT&DL triển khai. Từ phổ cập bơi trong trường học, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho đến xây dựng công trình hồ bơi lắp ghép...
Với địa hình nhiều sông suối, bãi biển, tiềm ẩn mối nguy hiểm thường trực đối với các em học sinh nếu không có kỹ năng bơi và phòng tránh đuối nước. Từ đầu năm đến nay, hầu hết tai nạn đuối nước đều xuất phát từ việc các em rủ nhau đi tắm tại các ao hồ, sông suối, biển mà không có sự quản lý của người lớn. Do vậy, rất cần cơ chế chính sách, tạo môi trường khu vui chơi, phổ cập bơi, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cũng như các địa phương cần có kế hoạch tham mưu xây dựng các hồ bơi trong trường học để phổ cập bơi trong nhà trường.
Theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, sau khi các vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn huyện, Núi Thành đã gửi công văn yêu cầu các trường cần có biện pháp phối hợp với gia đình để quản lý chặt học sinh trong giai đoạn nghỉ hè. Đồng thời yêu cầu các địa phương có các danh thắng, các vị trí thường có người đến tham quan, dã ngoại rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Cùng với đó, địa phương yêu cầu ngành giáo dục cũng như các tổ chức đoàn, hội, chính quyền các xã rà soát, phát hiện kịp thời các công trình chứa nước, ao hồ, sông suối, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Trong khi đó, tại huyện Đại Lộc, kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, dạy bơi được mở rộng ở các xã. Mô hình "Dạy bơi an toàn" nơi học đường cũng được khuyến khích nhân rộng. Ngành giáo dục huyện này yêu cầu nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương về phòng chống đuối nước cho trẻ, nhất là dịp nghỉ hè, nghỉ lễ...
Một môi trường sống an toàn khi trẻ được trang bị các kỹ năng sinh tồn cần thiết cũng như từ chính sự quan tâm của cả cộng đồng...