Nông dân Duy Xuyên đầu tư mô hình du lịch sinh thái
(QNO) - Những năm gần đây, khách du lịch có xu hướng tìm về các vùng quê để thăm quan, trải nghiệm ngày càng đông. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều hộ dân ở Duy Xuyên đã mạnh dạn cải tạo vườn nhà, phát triển đồng lúa thành điểm đến du lịch xanh, cải thiện đời sống và góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Bà Lê Thị Thanh Nga (xã Duy Phước) thuê và cải tạo 2ha đất bỏ hoang ở xã Duy Vinh để biến cánh đồng trở thành địa điểm du lịch bên cạnh lò gạch cũ. Bà Nga đã gieo sạ giống lúa tím than, ngoài mục đích sản xuất lúa để lấy gạo hữu cơ, còn làm điểm check-in và để du khách trải nghiệm làm nông.
“Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có hơn 15 nghìn lượt khách tham quan khu du lịch này. Khách đến đông nhất vào các dịp lễ từ tháng 2 đến tháng 9. Vì đây là thời điểm cây lúa phát triển tốt, từ sau tháng 9 trở đi vào mùa mưa lũ, gia đình tôi thu gọn không gian trải nghiệm để tránh tình trạng ngập úng, hư hại trên cây lúa” – bà Nga chia sẻ.
Mô hình trải nghiệm du lịch nông thôn của bà Nga với nhiều hoạt động như: trồng lúa nước, sản xuất các sản phẩm từ lúa tím than, hái dược liệu, rau xanh để làm thức ăn…
Du khách tìm đến mô hình của bà Nga ngoài được mua sản phẩm gạo tím than, còn được tận tay trải nghiệm trồng lúa, hái rau và chế biến món ăn thưởng thức tại chỗ. Mỗi du khách chi trả 500 nghìn đồng/lần tham quan.
Thời gian qua, nhiều nông dân ở Duy Xuyên biến khung cảnh thơ mộng làng quê, cánh đồng thành điểm tham quan thú vị. Nông dân là chủ thể vừa sản xuất, vừa làm vai hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khách thập phương trên chính mô hình của mình.
Gần 5 năm, khu du lịch sinh thái của gia đình ông Trần Thanh Ba (thôn Thi Thại, Duy Thành) đi vào hoạt động đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Nơi đây là điểm check-in quen thuộc của giới trẻ.
Lão nông Trần Văn Ba cho biết, năm 2019, ông cải tạo khu vườn, đào ao, trồng sen hồng, làm cầu tre, nuôi cá... phát triển lên khu du lịch sinh thái.
Cạnh đó, ông còn làm các mô hình tổ chim, bố trí tiểu cảnh phù hợp để du khách có thật nhiều góc tham quan, chụp ảnh, song vẫn phải giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có và không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Từ khi khu du lịch sinh thái hình thành, du khách Việt lẫn Tây khắp nơi tìm về check-in, chụp ảnh khá đông, nhất là vào dịp lễ và nghỉ hè. Mỗi lượt khách, ông thu 30 nghìn đồng.
Nhiều hình ảnh mô hình tham quan Sen House Garden Coffee & Tea của ông Trần Văn Ba đã đưa lên các trang mạng xã hội; nhờ thế mà lượt tương tác và lượng khách tìm đến ngày càng tăng, nguồn thu đem lại cho gia đình ông cũng tạm ổn.
Ông Ba cho biết thêm, hiện nay ông không còn bán vé trong khu du lịch sinh thái, thay vào đó là mở cửa tự do và kinh doanh dịch vụ ẩm thực và giải khát. Du khách đến chụp hình và thưởng thức các món nước uống, thực phẩm với giá cả bình dân.
"Tôi nghĩ du khách như người nhà, vì vậy khi chế biến các món ăn, thức uống phải đảm bảo ngon, sạch, an toàn và khâu phục vụ luôn đặt lên hàng đầu" - ông Ba nói.
[VIDEO] - Điểm du lịch sinh thái của gia đình ông Trần Văn Ba ở xã Duy Thành: