"Cái chết xấu" và hủ tục nhiều hệ lụy
Đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My có phong tục, mỗi khi có “cái chết xấu” do tự tử, thì phải đốt nhà đuổi con ma đi. Nhiều căn nhà nơi đỉnh núi bị đốt cháy để lại hậu quả nặng nề, người sống không có chỗ tá túc. Sau nhiều năm chính quyền vào cuộc quyết liệt, người dân dần ý thức được việc đốt nhà là mất đi tài sản lớn nên đã loại bỏ hủ tục.
Hủ tục nhiều hệ lụy
Khi bạn bè cùng trang lứa đến trường học thì em Hồ Hoàng Bảo (8 tuổi) và Hồ Thị Bảo Truyền (5 tuổi, cùng ở làng Tong Pua, thôn 3, xã Trà Cang, Nam Trà My) quanh quẩn trong nhà mình.
Đến trưa, hai đứa trẻ qua nhà người bác cùng làng ăn cơm. Hôm nào người bác lên nương rẫy, bữa ăn được chòm xóm cung cấp. Mẹ của Bảo và Truyền đi làm ăn xa, gửi con cho người thân ở làng. Cứ thế chúng sống như cây trong rừng, dựa vào bà con mà lớn…
Hai năm về trước, ba của Bảo là Hồ Văn Banh (sinh năm 1988) sau khi đi uống rượu về nhà thì tự tử. Cái chết của Banh được người thân nhận định có thể do vợ của anh hay uống rượu say xỉn nên anh bực tức chuyện gia đình và tìm đến cái chết.
Quan niệm của người dân nơi đây cho rằng con ma đã bắt Banh đi, nên anh mới tự tử, đó là “cái chết xấu”. Bởi ngày thường Banh là con người siêng năng, chăm chỉ, không tự tìm đến cái chết như vậy.
Ông Hồ Văn Hối (65 tuổi, làng Tong Pua) cho biết, theo tục lệ người Xê Đăng, sau khi mai táng người xấu số ở cánh rừng ma gần làng, người dân tập trung đến phá dỡ, đốt cháy ngôi nhà của Banh. Việc này là để đuổi con ma ra khỏi làng, vì căn nhà để lại, con ma trú ngụ sẽ bắt người khác hoặc quậy phá cuộc sống của họ.
May thay, tin kịp đến xã Trà Cang, cán bộ xã đến làng vận động, ngăn chặn người dân không cho đốt nhà. Chính quyền giải thích đây là tài sản có giá trị, nếu đốt cháy thì vợ và hai người con của người xấu số ở đâu? Trong khi đó chính quyền cấm chặt gỗ làm nhà, gia đình thuộc diện hộ nghèo, để dựng nhà mới là rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đỗ Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang kể lại, sau quá trình vận động, thuyết phục, 12 hộ dân làng Tong Pua nghe theo cán bộ, không tháo dỡ, đốt nhà, song họ vẫn giữ phong tục kiêng cử như bấy lâu nay.
Trong làng có “cái chết xấu” thì tất cả người dân không được ra ngoài hai ngày. Trong hai đêm đó mỗi nhà chất đống củi phía trước sân và đốt cháy đến sáng để đuổi con ma đi, tránh nó… đi vào nhà mình.
Hết thời gian kiêng cử, trước khi ra khỏi làng, mỗi gia đình phải làm lễ cúng một con gà và rượu. Riêng vợ con anh Banh ngoài tổ chức lễ cúng, họ phải kiêng cử đủ 6 ngày, không được ra khỏi làng.
Cùng thời điểm anh Banh qua đời, làng Tong Pua có hai người đàn ông khác tự tử. Chính quyền tập trung vận động người dân không thực hiện hủ tục đốt nhà, mỗi gia đình chỉ kiêng cử ra khỏi làng và làm lễ cúng.
Ông Hồ Văn Hối kể, trước đây người dân sống rải rác trong rừng. Mỗi khi có “cái chết xấu” là đốt nhà hoặc dời làng. “Ngày đó đường sá đi lại cách trở, sự việc xảy ra mấy ngày thì chính quyền mới biết, lúc đó họ có đến tuyên truyền vận động thì việc đã rồi” - ông kể.
Năm 2018, người dân Tong Pua được di dời đến nơi ở tập trung ổn định cuộc sống. Ngôi làng nằm bên đường bê tông liên xã nên giao thông thuận lợi. Trong làng Nhà nước đầu tư điện, nước sinh hoạt đầy đủ, cột sóng mạng di động dựng ngay tại làng. Đời sống người dân dần được nâng cao, họ tiếp thu những yếu tố tiến bộ, cộng thêm chính quyền tuyên truyền thuyết phục nên dần nhận thức được những hủ tục để lại nhiều hệ lụy.
“Nếu trong làng có “cái chết xấu” thì cán bộ thôn thông báo nhanh chóng đến xã. Sau đó cán bộ xã và các đoàn thể, Mặt trận đến tuyên truyền, vận động không cho đốt nhà. Cứ dần thành quen, người dân tự nhận thức phong tục để lại hệ lụy mất tài sản lớn nên loại bỏ” - ông Hối nói.
Cần ngăn chặn từ gốc
Xã Trà Cang có 37 làng, ở 5 thôn với 1.054 hộ, 4.300 người, 99,2% là dân tộc Xê Đăng. Đời sống người dân còn khó khăn với 586 hộ nghèo, chiếm hơn 55% và 104 hộ cận nghèo, chiếm 9,8%. Trà Cang là một trong những xã có nhiều người tự tử của huyện Nam Trà My.
Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang Nguyễn Đỗ Trí cho biết, hiện nay trên địa bàn không còn hủ tục đốt nhà vì “cái chết xấu”. “Trường hợp gần nhất năm 2018, khi hai vợ chồng trẻ ăn lá ngón tử tự, dân làng phá dỡ, đốt căn nhà. Từ đó đến nay, hủ tục này không tái diễn do đời sống người dân nâng cao, họ nhận thức được nên bỏ hủ tục” - ông nói.
Theo ông Trí, để có được kết quả này, chính quyền mất nhiều năm tuyên truyền vận động. Mỗi cuộc họp dân làng được chính quyền lồng ghép phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về những hệ lụy từ hủ tục. Song tại địa phương, vẫn còn tình trạng người dân tự tử. Trong mấy tháng đầu năm nay trên địa bàn xã đã có 3 người tự tử.
“Chính quyền đã vận động người dân khi gặp khó khăn cần tìm cách giải quyết, hỗ trợ từ bà con, làng xóm, chính quyền. Nhưng người dân có nhiều suy nghĩ tiêu cực, non trẻ. Mỗi người chết là sự đau lòng, để lại hệ quả rất lớn” - ông Trí nói. Hiện toàn xã có 23 trẻ mồ côi cha mẹ và gần 58 bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, phần lớn do tự tử gây ra trong nhiều năm qua.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trước đây người dân thường chọn những đỉnh núi hoặc trong rừng sâu sinh sống. Cuộc sống thường bị cô lập do đường sá cách trở nên khi xảy ra các hủ tục thì chính quyền xã khó phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Sau nhiều năm thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, người dân được di dời đến những khu dân cư tập trung. Nơi ở mới gần đường, giao thông thuận lợi. Việc này giúp giúp phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước thay đổi diện mạo thôn, xóm theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện ổn định sinh kế.
Về việc người dân tự tử vẫn còn xảy ở các xã vùng cao Trà Cang và Trà Nam, ông Dũng lý giải, người dân thường sử dụng nhiều rượu bia. Một số thanh niên trẻ tuổi sau khi uống rượu về có suy nghĩ tiêu cực rồi ăn lá ngón tự tử.
“Huyện giao cho chính quyền xã, Mặt trận, đoàn thể tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức tác hại, không nên uống nhiều rượu bia dẫn đến suy nghĩ tiêu cực” – ông Dũng nói.