Lượng nước dự trữ trên toàn cầu giảm
(QNO) - Dù thế giới đẩy mạnh xây dựng hồ chứa để tăng khả năng lưu trữ, lượng nước dự trữ ở các hồ vẫn không đủ để giải quyết căng thẳng ngày càng tăng đối với nguồn cung cấp nước.
7.245 hồ chứa giảm lượng nước
Dữ liệu vệ tinh của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ) cho thấy, lượng nước trong 7.245 hồ chứa trên khắp thế giới giảm trong vòng 20 năm qua, dù công suất hằng năm tăng 28km3. Kết quả nghiên cứu trên vừa được đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Bà Huilin Gao của Đại học Texas A&M và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, biến đổi khí hậu là một yếu tố quan trọng trong việc giảm hiệu quả của hồ chứa, nhưng nhu cầu nước tăng cũng đóng một vai trò.
Châu Á - khu vực sản xuất lương thực hàng đầu thế giới đang đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước.
Tại Thái Lan, mực nước tại các hồ chứa lớn đang ở mức cực kỳ thấp. Trong 4 hồ chứa chính bao gồm Bhumibol, Sirikit, Pasak Jolasid và Kwae Noi Bamrung Dan, chỉ có 4,551 tỷ mét khối (18%) lượng nước có thể được sử dụng.
Trong đó, tình hình ở miền Tây Thái Lan là đáng lo ngại nhất, vì chỉ có 13% lượng nước trong các hồ chứa hiện có thể được sử dụng.
Dù chính thức bước vào mùa mưa từ ngày 23/5 nhưng nhiều tỉnh phía bắc và đông bắc của Thái Lan đang phải đối mặt với hạn hán.
Khan hiếm nước đe dọa kinh tế toàn cầu
Kênh CNBCNews cho rằng, sự khan hiếm nước đang nổi lên như một mối đe dọa kinh tế toàn cầu, đặc biệt các nền kinh tế lớn của châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc.
Nông nghiệp, sản xuất và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể sẽ là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thiếu nước.
Tiến sĩ Arunabha Ghosh - Giám đốc điều hành của Hội đồng Năng lượng, môi trường và nguồn nước nói: "Châu Á là động cơ tăng trưởng của thế giới và các ngành sản xuất là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực".
Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới ảnh hưởng nặng nề nhất do khan hiếm nước. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, dù chiếm 18% dân số thế giới, Ấn Độ chỉ có đủ nguồn nước cho 4% dân số.
Nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến vượt xa nguồn cung từ 40% đến 50% vào năm 2030. Do đó, ông Ghosh cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm nước là vấn đề "vượt qua toàn bộ nền kinh tế".
Theo tổ chức tư vấn độc lập Viện Lowy, khoảng 80% đến 90% nước ngầm của Trung Quốc không phù hợp để tiêu thụ, một nửa số tầng ngầm nước quá ô nhiễm để sử dụng cho công nghiệp và nông nghiệp, 50% nước sông không thích hợp để uống và một nửa trong số đó cũng không an toàn cho nông nghiệp.
Thiếu nước vì hạn hán đe dọa ngành công nghiệp chip của Đài Loan - quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất châu Á.
Theo Bộ Nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp Australia, giá trị sản xuất nông nghiệp dự kiến giảm 14%, đạt 79 tỷ USD trong giai đoạn 2023 - 2024, do điều kiện khô hạn hơn dự kiến làm giảm năng suất cây trồng từ mức kỷ lục vào năm 2022 đến 2023.