Các kiến nghị, khó khăn của thị xã Điện Bàn sẽ được xem xét, tháo gỡ
(QNO) - Chiều nay 14/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì cuộc họp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND thị xã Điện Bàn về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, chuẩn bị các nội dung cần thiết cho kỳ họp HĐND tỉnh sắp đến.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, so với cùng kỳ năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp thị xã giảm 13,67%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 42.377 tấn, tăng 1.991 tấn; tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ của 18 phương án bồi thường của 16 dự án được duyệt khoảng 31,2 tỷ đồng, thấp hơn 6 tháng năm 2022 khoảng 123,5 tỷ đồng.
Chính quyền thị xã đã giải quyết dứt điểm các hồ sơ lĩnh vực đất đai tồn đọng; tiếp tục thực hiện dự án đo vẽ, lập lưới địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu phường Vĩnh Điện, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông.
Thị xã cũng đã hoàn chỉnh, trình tỉnh xem xét phương án đặt tên các tuyến đường năm 2023. Mở rộng triển khai các đề án như: phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số thị xã; phát triển một số lĩnh vực văn hóa, sự nghiệp truyền thanh giai đoạn 2022 - 2026; phát triển nông nghiệp bền vững.
Địa phương đang triển khai 14 đề án trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp căn cước công dân cho 189.047 trường hợp (đạt 97,3%) và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 9.486 trường hợp (tỷ lệ 6,9%). Bộ phận một cửa thị xã đã giải quyết 10.297/11.265 hồ sơ (143 hồ sơ trực tuyến) với tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn 71,35%.
Tổng thu ngân sách thị xã ước đến 30/6 đạt 1.282,048/2.790,3 tỷ đồng (đạt 45,95% dự toán HĐND thị xã giao) và tổng chi ngân sách hơn 747,3 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện của 252 dự án do thị xã làm chủ đầu tư năm 2023 (tính đến 31/5) khoảng 1.600 tỷ đồng, đạt 35%/tổng mức đầu tư, nhưng tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 21%. Địa phương đã giải quyết việc làm cho 3.200 lao động, cho vay 391 hộ với tổng tiền 61,5 tỷ đồng, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản 10 người.
Thị xã thừa nhận giải ngân vốn đầu tư công thấp; giải phóng mặt bằng, tái định cư được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn một số vướng mắc kéo dài, nhất là các dự án trọng điểm, dự án trong các cụm công nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng còn bất cập, chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Áp lực về trường lớp, đội ngũ giáo viên tại các phường vùng Đông vẫn chưa được giải quyết...
Tại buổi làm việc, chính quyền thị xã kiến nghị nhiều vấn đề như: xây dựng đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện; quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sinh hoạt, xử lý vệ sinh môi trường liên xã Gò Nổi; đề nghị cấp bù hụt thu ngân sách 2022, hỗ trợ vốn đã nộp trả ngân sách, bổ sung kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn dịch bệnh, phân bổ kinh phí thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng giao bổ sung biên chế, xây trường học, thí điểm vè xây dựng cơ sở dữ liệu...
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, thị xã cần nhanh chóng thực hiện các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất nghiệp tại các công xưởng, nhà máy; chấm dứt và giải quyết tốt các đơn thư khiến nại, tố cáo; rà soát lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023.
Đồng chí Phan Việt Cường cho biết tất cả khó khăn hay kiến nghị của thị xã sẽ được các sở, ngành liên quan tổng hợp chọn lọc, thông báo cho HĐND tỉnh xem xét xử lý, tháo gỡ cho địa phương theo thẩm quyền.