Nông dân vượt lên số phận
Dẫu chịu bao thiệt thòi do thân thể khiếm khuyết, nhiều hội viên nông dân ở thị xã Điện Bàn đã vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Trời đã về chiều, ông Nguyễn Dũng (trú khối phố Ngọc Liên, phường Điện An) vẫn còn ngồi trên xe lăn để chăn 4 con bò trên đồng. Không may mắc bệnh bại liệt lúc 8 tuổi, ông Dũng bị khuyết tật nặng cả 2 chân.
Ông Dũng kể, dù bị khuyết tật nhưng may mắn cưới được người vợ hiền lành và sinh được hai con. Không đầu hàng số phận, ông luôn tìm cách chăm lo gia đình, nuôi các con ăn học.
Suốt 15 năm, ông Dũng len lỏi mưu sinh bằng bán vé số. Sau khi dành dụm được ít tiền, vợ chồng ông nuôi 9 con bò, 2 con heo nái, hàng trăm con gà, vịt và canh tác 10 sào ruộng lúa mà người dân bỏ hoang. Hai người con học xong lớp 12 cũng là lúc gia đình… thoát nghèo.
Năm 2020, ông đang làm nhà thì phát bệnh tim, chi phí phẫu thuật 120 triệu đồng. Trong lúc khó khăn, ông được Hội Nông dân phường cho vay 50 triệu đồng không lấy lãi cùng với sự hỗ trợ của người thân quen nên bệnh được chữa khỏi, mái ấm kiên cố cũng hoàn tất.
Ông nói: “Mới tuần trước, tôi bán 2 con bò để lo đám cưới cho con gái đầu. Mình còn sức thì cố gắng làm, chứ không trông chờ phụ thuộc vào ai”.
Bà Võ Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương có rất nhiều hội viên nông dân gia cảnh khó khăn, bản thân khuyết tật song vẫn siêng năng, ham học hỏi. Bằng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, họ đã vượt lên số phận, phát triển kinh tế và đóng góp không nhỏ cho công tác hội và phong trào nông dân.
Điển hình có thể kể đến ông Nguyễn Văn Thanh - Chi hội phó Chi hội Nông dân khối phố Quảng Hậu Đông (phường Điện Nam Trung). Năm 8 tuổi, bị khuyết tật ở chân do tai nạn, cậu học trò tên Thanh sau mỗi lần tan trường là qua xem người chú ruột chăm sóc cây mai.
Ham học hỏi cùng với niềm đam mê, Thanh nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật cơ bản và năm 15 tuổi đã mạnh dạn nhận chăm sóc mai cho khách. Sau khi nghỉ học, Thanh đi làm công nhân, rồi nghỉ việc cũng về gắn bó với cây mai.
Nhờ tham gia các lớp học đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cảnh do Hội Nông dân phường phối hợp tổ chức, ông Thanh đã sưu tầm và chăm sóc vườn mai cảnh, đến nay có gần 100 chậu lớn, nhỏ. Người vợ cũng phụ chồng nhân mai giống, đúc chậu.
Cạnh đó, gia đình này còn sắm, cho thuê âm thanh ánh sáng. Chỉ tính tiền cho thuê mai vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ông Thanh còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên trong tổ hội nghề nghiệp trồng hoa ở phường để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.