Tìm giải pháp thu hút khách Hồi giáo

PHẠM QUỐC 13/06/2023 09:31

Hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung” diễn ra tại TP.Đà Nẵng vào ngày 10/6 vừa qua được kỳ vọng tìm giải pháp để miền Trung thu hút dòng khách này.

Ấn Độ là một trong những thị trường khách có lượng người Hồi giáo lớn rất triển vọng để Quảng Nam thúc đẩy khai thác. Ảnh: P.Q
Ấn Độ là một trong những thị trường khách có lượng người Hồi giáo lớn rất triển vọng để Quảng Nam thúc đẩy khai thác. Ảnh: P.Q

Theo báo cáo tại hội thảo, trong năm 2023 ước tính sẽ có khoảng 140 triệu khách Hồi giáo đi du lịch ra nước ngoài, phục hồi khoảng 80% so với thời điểm năm 2019.

Theo chuyên gia tham dự hội thảo, cộng đồng du lịch Hồi giáo thường không khuyến khích khách đi du lịch tại các quốc gia, điểm đến có điều kiện cơ sở vật chất, ẩm thực, tín ngưỡng không thuận lợi, phù hợp với thói quen tiêu dùng, phương thức du lịch của người Hồi giáo.

Theo ông Hosen Yousof - chuyên gia về thị trường khách du lịch Hồi giáo, khách Hồi giáo thường đi du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè và cũng là thị trường khách ưa chuộng trải nghiệm du lịch xanh, bền vững.

Dòng khách này ưa chuộng những điểm đến có tiện ích về spa hoặc hồ bơi riêng biệt về giới và có thói quen lưu trú dài ngày ở một điểm đến đã chọn lựa với mức chi tiêu khá cao.

Hậu COVID-19, nhiều đường bay quốc tế trực tiếp giữa Đà Nẵng với Malaysia và Singapore đã được phục hồi. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương miền Trung thu hút khách Hồi giáo bởi người Hồi giáo tại 2 quốc gia trên chiếm số lượng khá lớn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương cho hay, một số thị trường gần Việt Nam có nhiều người Hồi giáo như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore… Đây đều là các thị trường khá tiềm năng và có sự tăng trưởng tốt với du lịch miền Trung trong vài năm gần đây, nhất là sau đại dịch COVID-19 nên cần tiếp tục tận dụng khai thác.

“Điểm đến ở Quảng Nam nói riêng, khu vực miền Trung nói chung thực ra chưa tạo lập được hệ sinh thái cơ bản để phục vụ cho dòng khách Hồi giáo. Khi chuỗi giá trị được hình thành thì dòng khách Hồi giáo sẽ tự động lan tỏa và có thêm những bước tăng trưởng ấn tượng làm đa dạng hóa cơ cấu khách quốc tế của các địa phương có thế mạnh về du lịch trong khu vực miền Trung” - ông Thủy nói.

Từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Malaysia nằm trong nhóm 10 thị trường khách quốc tế lưu trú lớn nhất của Quảng Nam. Ngoài ra, gần đây lượng khách từ Ấn Độ, Singapore… cũng có chuyển động tích cực.

Theo Sở VH-TT&DL, riêng về thị trường khách Ấn Độ thời gian qua có sự khởi sắc nhờ việc kết nối với Đà Nẵng để thu hút dòng khách MICE, khách sự kiện, tiệc cưới - hội nghị. Ngoài ra, Khu đền tháp Mỹ Sơn là địa điểm có nhiều sự gắn kết với Ấn Độ nên cũng là một điểm nhấn lớn để quảng bá, xúc tiến thị trường này.

PHẠM QUỐC