Sấy cá bằng năng lượng mặt trời tại Campuchia

NAM VIỆT 12/06/2023 16:23

(QNO) - Tờ Phnom Penh (Campuchia) cho biết, công nghệ sấy cá bằng năng lượng mặt trời đang mang lại thành công cho cả 4 mùa đối với lĩnh vực này.

 
Sử dụng công nghệ sấy khô cá bằng năng lượng mặt trời tại Campuchia. Ảnh: Phnompenhpost

Trên khắp Campuchia, một cảnh tượng quen thuộc diễn ra hằng ngày: các gia đình tiêu thụ cá đánh bắt được ở sông Mekong hoặc các sông hồ khác.

Hàng triệu người Campuchia thưởng thức cá rô phi, cá hồng, cá lóc, cá chép và cá da trơn... hay chế biến món cá hấp amok đặc sản - dùng nóng đựng trong lá chuối hoặc gáo dừa và ăn với cơm. 

Trong đó, nhiều loại cá được sấy khô để bảo quản lâu hơn như của để dành cho bữa ăn sau này của nhiều gia đình hoặc bán sản phẩm quanh năm. 

Tờ Phnom Penh cho biết, các nhà chế biến cá địa phương thường sấy khô cá theo cách truyền thống là phơi cá dưới ánh nắng mặt trời hoặc dùng củi hay than đốt. 

Tuy nhiên, một số phương pháp sấy khô truyền thống đôi khi không mang lại hiệu quả cao, không hợp vệ sinh và không bền vững.

Phải mất một thời gian dài để làm khô cá ngoài trời, có thể khiến cá bị nhiễm vi khuẩn, khô không đều và giảm hương vị...

Như phương pháp sấy khô sử dụng củi, than hoặc nhiên liệu hóa thạch có thể gây hại cho sức khỏe con người do khói, các bệnh về đường hô hấp và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Do vậy, ngày càng có nhiều người đánh bắt cá và các nhà chế biến cá ở Campuchia chuyển sang phương pháp làm khô cá hiện đại. Đó là sử dụng công nghệ “vòm sấy năng lượng mặt trời”.

Mái vòm là một cấu trúc nhẹ với khung thép được xây dựng trên sàn bê tông và phủ bằng vật liệu polycarbonate trắng mờ, có độ bền tốt. 

Bên trong mái vòm, cá được bày trên các khay. Vật liệu trong mờ của mái vòm cho phép tia nắng mặt trời chiếu vào, giúp làm khô cá, đồng thời bảo vệ cá khỏi bụi bẩn và côn trùng. Quạt thông gió chạy bằng năng lượng mặt trời giữ mái vòm ở nhiệt độ tối ưu để sấy khô.

Phơi cá trong nhà vòm nhanh và an toàn hơn so với phương pháp truyền thống, đặc biệt hương vị của cá cũng được bảo toàn tốt hơn.

Trong khi các phương pháp sấy khô truyền thống mất 3 - 7 ngày và phụ thuộc nhiều hơn vào điều kiện thời tiết thì máy sấy mái vòm năng lượng mặt trời mất khoảng 8 - 12 tiếng và ít bị ảnh hưởng bởi biến động của thời tiết.

Hơn nữa, mái vòm không phát ra chất gây ô nhiễm, không gây ho và rát cổ họng như đốt củi hoặc than. 

Theo tờ Phnom Penh, việc chuyển sang mái vòm là “cuộc cách mạng nhỏ” trong quá trình sấy khô cá do Cục Quản lý thủy sản Campuchia (FiA) triển khai với sự hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Nhưng khi công nghệ sấy khô cá bằng mặt trời trở nên phổ biến, có thể định hình lại nghề cá sau thu hoạch của Campuchia, giúp tạo ra năng suất và bền vững hơn, có thể cạnh tranh tốt hơn với các nhà nhập khẩu, tạo cơ hội việc làm, đầu tư và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Campuchia.

NAM VIỆT