Liệu có điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng?
Sẽ có nhiều chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không thể thực hiện được. Điều chỉnh hay không đang là vấn đề đang được Quảng Nam cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định!
Nửa đường... hụt hơi
Đại dịch COVID-19 để lại nhiều hệ lụy, khó có thể giải quyết hay xử lý ổn thỏa trong thời gian ngắn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2022 “bất ngờ” gia tăng 2 con số (10,3%), cũng không thể gánh nổi sự sụt giảm của năm 2021 khi chỉ tăng 3,03%.
Theo đánh giá của Sở KH-ĐT, dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2023 giảm 5%, kéo theo tốc độ tăng trưởng 2021 – 2023 sẽ không như kỳ vọng. Tăng trưởng GRDP bình quân 3 năm (2021 – 2023) chỉ khoảng 2,5 – 3%. Tỷ lệ này cách quá xa so với chỉ tiêu 7,5 – 8% như đã được ấn định ngay từ đầu nhiệm kỳ (2021 – 2025).
GRDP bình quân đầu người được dự báo chỉ tăng bình quân (2021 – 2023) khoảng 4,8%, yếu hơn 2,2 lần so với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2018 – 2020 (tăng 10,6%).
Tổng thu ngân sách nhà nước sẽ không thể đạt tỷ lệ tăng 9% (nội địa 10%, xuất nhập khẩu 4%), khi tính toán của cơ quan tài chính chỉ có thể tăng bình quân (2021 – 2023) gần 5,5%/năm (thu nội địa chỉ tăng 4,8%/năm).
Lý do được tính đến là năm 2023 chưa thể có thêm nguồn thu mới phát sinh, kinh tế hồi phục chậm, suy giảm tiêu dùng, các sản phẩm chủ lực (nhất là ô tô) không còn lực để đẩy mức tiêu thụ gia tăng lên cao, nên thu ngân sách chỉ bằng 79,5% so năm 2022.
Theo ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 2021 – 2023 chưa đạt chỉ tiêu (7,5 - 8%). Nền kinh tế thế giới và quốc gia sẽ còn khó. Địa phương chưa xuất hiện nhân tố nổi trội thúc đẩy phát triển kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng các năm còn lại sẽ không cao. Khả năng hoàn thành kế hoạch tăng trưởng (2020 – 2025) sẽ rất khó thực hiện. GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung cả nước (48/97 triệu đồng/năm).
Đại dịch hay suy thoái kinh tế là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, UBND tỉnh thừa nhận sự suy yếu của nền kinh tế địa phương vẫn là điểm cố hữu nhiều năm. Đó là ô tô còn phụ thuộc vào chính sách bảo hộ, các ngành thâm dụng lao động (may mặc, da giày...) chủ yếu gia công, các ngành sản xuất thực phẩm không tự chủ nguyên liệu, phụ thuộc nhập khẩu...
Địa phương chưa có đủ lực để thu hút dự án đầu tư lớn. Đầu tư công dàn trải, chậm tiến độ. Kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận về đất đai và các dịch vụ tiện ích chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư. Năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là nhỏ và vừa nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập...
Cân nhắc, tính toán kế hoạch tăng trưởng
Kinh tế suy giảm đã kéo theo hàng loạt sự thay đổi không thể định lường được. Sản xuất, kinh doanh đình trệ đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập, đẩy gánh nặng lên an sinh xã hội.
Dự báo, sẽ có nhiều chỉ tiêu (từ kinh tế đến xã hội, môi trường, an sinh...) không thể đạt kế hoạch như đã đề ra. Không ít ý kiến cho rằng nên điều chỉnh, nhất là chỉ tiêu giảm nghèo và phát triển miền núi, bởi khó có thể hoàn thành như kế hoạch đã định.
Ông Lê Nho Hùng - Cục phó Cục Thống kê nói, chỉ tiêu giảm nghèo hay nông thôn mới sẽ khó vì theo chuẩn mới. Cần một so sánh, quy đổi chuẩn cũ - mới để đánh giá và tìm ra hướng xử lý. Còn hơn 2 năm nữa mới có thể xác định được cụ thể các kế hoạch, nhưng cũng có thể lạc quan sẽ không quá khó để đạt được các chỉ tiêu quan trọng.
Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói, nếu không có gì xảy ra xấu như hiện tại thì 2 năm sau sẽ đạt được sự ổn định về ngân sách. Chỉ tiêu tăng 9%/năm thu ngân sách sẽ không quá khó để đạt được.
Chưa thể đưa ra quyết định có điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Không thể đứng nhìn sự suy giảm đã được báo trước, chính quyền Quảng Nam quyết định đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, thực hiện các quy hoạch. Mục tiêu dài hạn đạt được không phải là tốc độ tăng trưởng “nóng” trong hôm nay, mà quan trọng hơn là sự bền vững của tốc độ tăng trưởng trong dài hạn.
Một trong những nội dung của sự bền vững là ổn định kinh tế vĩ mô, là chất lượng tăng trưởng. Suy cho cùng điều cần hơn hết là chất lượng cuộc sống người dân chứ không phải là con số tăng trưởng GRDP nhiều hay ít - là tiêu chí định đoạt cho sự tăng trưởng của kinh tế.
Theo kế hoạch, sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị (sân bay, cảng biển, hạ tầng logistics, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hoàn thành các dự án trọng điểm...).
Kiến nghị Trung ương tháo gỡ về cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công để mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến kết nối Đông - Tây như quốc lộ 14E, 14B, 14G. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đất đai (đặc biệt là lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).
Chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên chi đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tiếp tục thực hiện chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, gắn với đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tinh giản bộ máy, biên chế. Kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, nỗ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi và giảm nghèo.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, gần như các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều thấp hơn các chỉ tiêu. Các cơ quan quản lý phân tích, đánh giá cụ thể các chỉ tiêu giảm sâu, chỉ tiêu có khả năng hoàn thành/không hoàn thành, bảo đảm các nguồn lực khả thi, đưa ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, khoa học, hợp lý, đúng với thực tế điều hành của Quảng Nam.