Hướng về thị trường khách du lịch Hồi giáo
(QNO) - Năm 2023, ước tính khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch trên thế giới, đây được xem là thị trường khá tiềm năng và rộng lớn đối với du lịch Việt Nam cũng như miền Trung, trong đó có Quảng Nam.
Ngày 10/6, tại TP.Đà Nẵng, Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương phối hợp Tổng cục Du lịch quốc gia Malaysia tại Việt Nam, Trung tâm Du lịch Hồi giáo (Bộ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Malaysia), Sở Du lịch Đà Nẵng và Hội Khách sạn Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung”. Gần 100 doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, nhà hàng… tham dự hội thảo.
Thị trường khách tiềm năng
Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, những năm gần đây số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh. Nếu năm 2013 khoảng 108 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch thì đến năm 2019 đã đạt 160 triệu lượt.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, từ năm 2021 tốc độ phục hồi thị trường khách Hồi giáo dần ổn định. Năm 2023, dự báo khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Những năm gần đây, mặc dù Việt Nam đón rất nhiều du khách quốc tế là người Hồi giáo, tuy vậy thị trường này dường như chưa thực sự được chú trọng, nhất là các dịch vụ cung ứng phù hợp.
Từ sau đại dịch COVID-19, cùng quá trình phục hồi du lịch, một số địa phương miền Trung cũng bắt đầu triển khai nhiều chương trình kết nối đến các thị trường gần, bao gồm các quốc gia có đông người Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ… và mở ra cơ hội thu hút dòng khách này.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, một đặc thù của khách Hồi giáo chính là sự lan truyền. Điểm đến nào có hệ sinh thái Hồi giáo sẽ được khách du lịch Hồi giáo truyền miệng nhau, từ đó giúp marketing điểm đến hiệu quả.
Theo ông Thủy, hiện tại một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Singapore đã xây dựng hệ sinh thái cho khách Hồi giáo rất đa dạng và đầy đủ nên thu hút khá nhiều khách Hồi giáo trên thế giới đến tham quan, lưu trú.
“Đà Nẵng rất có lợi thế, ngoài các chuyến bay từ Malaysia, Singapore và tương lai là Philippines… thì còn có cơ sở dịch vụ tốt, nhất là nền tảng về điểm đến. Bây giờ chỉ cần tập trung, hành động nhanh, nhịp nhàng và chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể đón được dòng khách Hồi giáo.
Điều quan trọng hiện nay chính là xây dựng hệ sinh thái đặc thù cho thị trường này như thế nào. Nói cách khác, đón được dòng khách Hồi giáo hay không phụ thuộc vào hành động của chúng ta nhanh hay lâu” - ông Thủy chia sẻ.
Hoàn thiện dịch vụ
Trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi, riêng khu vực ASEAN là 255 triệu người. Tại miền Trung, đến nay nhiều đường bay trực tiếp từ Malaysia, Singapore đến Đà Nẵng đã được mở, góp phần thúc đẩy thị trường khách Malaysia, Singapore tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ đứng thứ hai sau Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á.
Tại hội thảo “Phát triển chuỗi dịch vụ du lịch cho thị trường khách Hồi giáo tại miền Trung”, hầu hết ý kiến khẳng định, thị trường khách Hồi giáo rất tiềm năng, tuy nhiên để đón được dòng khách này cần đáp ứng các yêu cầu mang tính bắt buộc.
Bà Marina Muhamad - Giám đốc Trung tâm Du lịch Hồi giáo (Bộ Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Malaysia) nhìn nhận, Đà Nẵng và Hội An sở hữu nhiều cảnh đẹp, nhưng chừng đó chưa đủ. Để thu hút dòng khách du lịch Hồi giáo, trước hết phải đáp ứng yêu cầu về ẩm thực với các nhà hàng đạt chuẩn Halal, đặc biệt phải có nhiều nơi để khách cầu nguyện, bởi người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần một ngày. Các địa phương phải thể hiện sự thân thiện, gần gũi với người theo đạo Hồi, phải tạo cho khách Hồi giáo cảm giác an toàn, thuận tiện, nhất là khi khách đến giờ cầu nguyện.
Thực tế vài năm gần đây, việc đón khách Hồi giáo cũng đã được một số doanh nghiệp Đà Nẵng, Quảng Nam tính đến. Dù vậy, hiện thực mục tiêu này hầu như không nhiều. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Tổng Giám đốc khách sạn Furama, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khách Hồi giáo chiếm khoảng 10% trong cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng mỗi năm, chủ yếu từ Malaysia, Singapore.
Riêng tại khách sạn Furama, nhằm phục vụ tốt dòng khách Hồi giáo, thời gian qua bên cạnh hoàn thiện các dịch vụ, đơn vị cũng mời chuyên gia về đào tạo cho nhân viên cách đón khách Hồi giáo, kể cả tìm nhà cung cấp thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal và tuyển dụng đầu bếp nấu món ăn Hồi giáo chuyên biệt. Qua đó, giúp Furama trở thành một trong số ít cơ sở lưu trú có thể đáp ứng được mọi nhu cầu du lịch của khách Hồi giáo khi đến Đà Nẵng hiện nay.