Vị đắng của sâm
Tám giờ sáng, thầy Min - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH-THCS Trà Nam chở tôi lên trung tâm xã Trà Linh (Nam Trà My). Hôm qua trời mưa, dấu vết đẫm ướt sót lại bắt đầu bốc hơi theo nắng nóng. Đường hư, gập ghềnh, phía ta luy dương còn sống lưng đất đá, nghiêng 15 độ về ta luy âm lổn nhổn cục hòn đi kèm ổ gà ổ voi...
1. Thầy Min nói “tụi em kêu đi lên đường ni là đi Thái Lan, tức là đi bên trái, chứ mất tập trung nghiêng qua phải là xe đi đường xe, mình đi đường mình”.
Thầy lại nói đây là đường du lịch vùng sâm. Chiều tối ngồi cùng nhau, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng trường này nói: “15 năm ở trên này, em đã hai lần đổi xe máy vì mục nát”. Nóng rát. Thầy Min cũng nói “em lên đây năm 2018 đã thấy nóng lắm rồi”.
Ừ, rát lưng. Nhiều người ở huyện nói trên Trà Linh có gia đình đã lắp máy lạnh. Nhớ năm nào xa xôi, cũng giờ này, sáng trong sân nhà ở của người phụ trách vườn dược liệu, tôi đã tận hưởng mây và sương quấn quýt lùa vào tóc vào áo như đang lạc vào khúc múa rộn ràng xiêm y, lúc như rơi vào mê trận của phái Võ Đang…
Tôi ngồi cùng Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh. Giọng anh lành hiền, đều đều như tự tính của người khởi thủy sinh ra đã ở trong sương mù. “Dạ nóng, từ 2016 là bắt đầu nóng nhiều, năm nay nóng nhất đó anh”. Nắng chói chang. Từ đây ngó lên Măng Lùng cũng hiển lộ mọi thứ, không còn cái cảnh thấp thoáng lòa nhòa.
Với Dang, chuyện năm 2025 Trà Nam phấn đấu đạt xã nông thôn mới không phải là khó, dù còn hơn 21% hộ nghèo (cả xã 766 hộ), rơi vào phần lớn người già neo đơn, khuyết tật. Đây đâu chỉ có sâm Ngọc Linh mới giàu, vì còn có sâm nam, giảo cổ lam, nếu làm bài bản sâm nam là lên luống, tủ lá lấp hàng, thì thu nhập 40 - 50 triệu đồng/sào/năm là bình thường.
Trà Linh giàu lắm, nhờ sâm! Đó là câu cửa miệng của ai biết xứ này, khởi từ ngày lễ hội và chợ sâm ra đời. Một cán bộ huyện quả quyết: Trừ thôn 1 còn khó khăn, chứ các thôn còn lại, nếu căn cứ giá trị cây sâm để định lượng giàu nghèo, thì dứt khoát họ không nghèo.
Anh Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện kể, khi khảo sát số lượng sâm để làm chỉ dẫn địa lý, dán tem sở hữu trí tuệ, dân giấu biệt, có mười khai một, nhưng anh em địa bàn biết hết. Như thôn 2, 3 giàu khoảng 100 hộ, còn lại là khá.
Cũng anh Mẫn, năm ngoái trầm tư rằng: “Mình sợ rồi đây nhiều thứ không hay sẽ tới như chuyện đương nhiên phải có của xứ lắm tiền, mà đã có rồi đó…”. Chính cái buông chấm lửng rằng khi nào bạn thử tìm hiểu xem, bởi đó là tín hiệu đo lường cho tương lai sẽ ra sao mới là quan trọng.
Từ anh, đã dấy lên lần nữa trong tôi suy nghĩ từ nhiều năm trước, là thử làm một lát cắt đi ngược, đằng sau cái ma lực ào ào ngồn ngộn lợi nhuận từ sâm, thì rẻo cao xa xôi mặt trời như phân mảnh giữa mây sương và cây rừng ấy, cái nhìn có còn trong trẻo?
“Ở đây làm công, trao đổi công, hoặc trả bằng cây sâm giống, chứ đưa tiền là uống rượu hết” - Dang cười thật thà - “Như em có làm chung với mấy anh em, trả cây giống cho họ và trồng chung trong vườn, có như vậy mình mới không bị mất sâm. Chứ một mình làm, giữ khổ lắm, nhiều khi chính họ là thủ phạm. Một ngày công 200 - 250 ngàn đồng, họ nhổ trộm cỡ 5 cây con 2 tuổi là bán được 2,5 triệu rồi”.
Nạn ăn cắp sâm, trên này không lạ. Bao đời, trộm cắp vùng này không có, giờ nhìn đâu cũng phải cảnh giác nếu ở đó có sâm. Tiền nhiều từ sâm, người các nơi đổ về mua, trồng, lập công ty, hàng quán, tất sinh chuyện.
Dang cho tôi con số vi phạm an ninh trật tự vài ba năm trở lại đây, chừng 15 - 20 vụ; năm 2020 có 1 vụ sử dụng ma túy là người nơi khác đến. Đầu năm đến nay là 2 vụ.
Ma túy đã lên tới đỉnh Ngọc Linh. Chuyện không lạ ở thời buổi giờ, đâu có tiền nhiều thì chuyện chi cũng có. Nhưng chốn này… “nghe xót xa như rụng bàn tay”. “Thanh niên địa phương có sử dụng ma túy không?”. “Dạ chưa thấy, dù có test kiểm tra khi nghi”. Rùng mình.
2. Mười giờ 15 phút, nắng gay gắt. Lời Dang rằng, sông suối bắt đầu cạn dần, ruộng thiếu nước. “Em có thấy sự thay đổi môi trường sinh thái ở đây chính là nguyên nhân của mọi thứ?…” - tôi dò Dang.
“Tác động nhiều đó anh” - mắt Dang trong veo, mở to, ánh lên nỗi phiền như mây đang bay qua - “Bà con trồng sâm tự nhiên như bao đời, chỉ có các công ty, cá nhân nơi khác tới dùng công nghệ không thân thiện môi trường. Nếu họ không tuân thủ nghiêm ngặt, bà con lãnh đủ.
Cũng là lãnh đạo chính quyền, mình thấy xót. Bà con sống ở rừng mà có phá rừng đâu. Còn họ, như tưới nước bằng giàn phun, che kín, dưới đất là bạt phủ, bỏ lá cỏ mục lên trên, 20 năm sau, đất còn chi, bà con lấy nước đâu mà dùng?”. Lời Dang như rơi xuống bàn, lặng phắt phản hồi.
Không ít người lợi dụng tự nhiên chứ không dựa vào tự nhiên. Hiện có 7 công ty thuê môi trường rừng, cùng 30 đơn vị khác đang hoạt động. Từ ngày có lễ hội sâm, người đổ lên Trà Linh như trùng dương lớp lớp. Tính cả chốt bảo vệ của bà con nữa, thì ở đây có 41 chốt bảo vệ.
Tỉnh họp lên họp xuống mấy về chuyện sử dụng thiết bị như ny lon, sắt, xốp, nước thải không đảm bảo tại vùng này sẽ hủy hoại nghiêm trọng môi trường rừng. Khi thảm thực vật không còn, thì đồng nghĩa cây sâm… tử nạn, bởi nó mọc lên từ đó, dưới tán lá rừng, trong điều kiện khí hậu ẩm ướt cùng thổ nhưỡng đặc trưng vùng Ngọc Linh mà không nơi nào có được.
“Trước đây bà con giữ rừng, môi trường trong lành lắm anh” - giọng Dang vẫn đều đều, mà tôi đọc thấy nỗi hụt hẫng như dài ra - “10 năm trở lại đây, môi trường rừng bị vỡ. Từ cuối 2016 đến nay, khi đường sá, thủy điện có mặt, thì mình bắt đầu thấy mệt.
Anh phá được thì tôi phá được, dân bắt chước làm bậy từ đây, một bộ phận thanh niên, nhất là vùng Măng Lùng sống hơi lệch, từ rượu chè, gây gổ, trộm cắp”. “Thanh thiếu niên hư, ai xúi?” - tôi hỏi Dang. “Một bộ phận người dân không quan tâm con cái, nhưng phần lớn là do các em học 12 xong, không đi học nữa mà về nhà. Đó là đầu mối cho hư hỏng…”.
Với tôi, chuyện sinh tử của Ngọc Linh là chỗ này, là chuyện trưởng thành từ giáo dục ở lớp thanh niên. Chính họ chứ không ai khác, là chủ của rừng hôm nay và tương lai. Khi câu chuyện đã đi lệch, thì trách ai bây giờ?
Họ không đủ vũ khí để miễn dịch lẫn tận dụng điều kiện khá hơn để đi xa trong việc làm giàu kiến thức, nghề nghiệp, quay về với làng bằng hành trang của người làm chủ làng một cách tử tế, văn minh, thân thiện.
Nhưng cứu bằng cách chi? Người miền núi vốn chỉ thay đổi không phải bằng lý luận dài dòng, mà bằng việc cụ thể. Hãy xem xét nghiêm khắc xử lý những ai phá rừng, tàn phá môi trường, thiết lập hàng rào cả bằng hành chính lẫn văn hóa thật nghiêm nhưng cụ thể, sát sườn.
Bây giờ, chưa hề có một số liệu công bố cho thiên hạ biết môi trường sinh thái ở đây đã và đang xuống cấp ra sao? Nguyên nhân ở đâu? Giải quyết cách gì? Buộc doanh nghiệp phá bỏ thiết bị sớm ư? Không dễ, họ vào từ lời mời, tiền tỷ bỏ ra, trăm sự do mình ràng buộc quản lý ban đầu lỏng hở, chứ đã kinh doanh thì cơ bản là lợi nhuận; cái gọi là văn hóa kinh doanh ở xứ này xa xỉ lắm.
3. Đứng gió. Thầy Min nói chắc chừ ngoài đường khoảng hơn 30 độ rồi. Dang vẫn tiếp tục trầm tư. Bà con trồng sâm nhưng đầu ra bấp bênh, vẫn bán cho thương lái. “Trồng sâm không dễ ra được sản phẩm” - Dang nói – “cực lắm anh à”.
Tôi ngạc nhiên quá, khi Dang hé một cái nhìn sâu thẳm: “Trước đây tuổi thọ ở đây từ 80 - 100 tuổi là bình thường. Bà con đi làm rừng, ăn rau, cá, ốc suối, lúa rẫy, tối về ngủ khỏe. Giờ chẳng ai trồng rau, chăn nuôi, mà toàn mua từ đồng bằng lên, ban đêm phải thức canh sâm.
Thời tiết thì khắc nghiệt. Được tiền, nhưng sức khỏe khác đi, hạ xuống không ngờ. Trước đây dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nay gần như mất. Thôn em có 200 hộ, nhưng biết làm đồ truyền thống thì đếm đầu ngón tay. Nữ thanh niên, trước đây mười người một màu tóc, nay 10 màu tóc…”.
Tôi về, mang câu nói lơ lửng của Dang “em sợ đến lúc hết sâm, bà con sống răng đây?” ngang qua quán nhậu ồn ào gần trường cấp 2. Không gì là không xảy ra. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào kho vàng này ở xứ Ngọc Linh. Nỗi lo sợ hữu hình lẫn vô hình đã và đang mọc lên ở đó, đừng ca hát quá đà khi mọi thứ đã bắt đầu rạn nứt. Hơn cả sâm, chính là con người.
Xe xuống dốc, tôi ngồi sau lưng thầy Min mà như thõng chân. Ngó lên Măng Lùng, Kon Min, sát rạt, những bát ngát xanh lơ lửng đâu đó dưới mây trắng, đã ươm nhú những héo úa, vắng mặt những tiếng cười long lanh như sương có nắng sớm chiếu qua...