Doanh nghiệp “vươn ra biển lớn”
Nâng cao năng lực tự cường là phương cách doanh nghiệp địa phương chống chọi trước sức nóng cạnh tranh của hội nhập. Từ tinh thần tự cường được hun đúc và nỗ lực vượt qua khó khăn, thời gian qua, cộng đồng doanh nhân Quảng Nam đã trở thành động lực để nền kinh tế địa phương phát triển, hội nhập.
“Gõ cửa” hội nhập
Buổi sáng 15/12/2021 đã trở thành một sự kiện “trọng đại” của thương giới Quảng Nam khi 870 sơ mi rơ mooc (SMRM) Trường Hải sản xuất xuống tàu chuyên dụng RORO của hãng tàu quốc tế Liberty Global logistics (Mỹ), xuyên Thái Bình Dương, đến Mỹ.
Việc đưa SMRM sang Mỹ, trở thành một trong những nhà cung cấp sản phẩm SMRM tốt nhất cho thị trường Bắc Mỹ, nơi được cho là một trong những thị trường nổi tiếng về độ khắt khe, yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hóa... là thành công lớn của Trường Hải.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên nói, sự kiện này khẳng định năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của Trường Hải, doanh nghiệp Quảng Nam có đủ khả năng tham gia và đủ khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, định vị được vị thế hàng hóa địa phương trên bản đồ xuất khẩu khu vực và thế giới.
Xuất khẩu SMRM là một phần hiện thực hóa chiến lược hội nhập và phát triển trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trường Hải. Những cuộc hợp tác, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu ô tô du lịch (25% tỷ lệ nội địa hóa), xe bus (40% tỷ lệ nội địa hóa trở lên)... sang thị trường ASEAN và linh kiện phụ tùng, cơ khí như cản xe, dây điện, nhíp, sàn xe chuyên dụng, xe đẩy hành lý sân bay, áo ghế, két giàn nóng máy lạnh, linh kiện xe bus, linh kiện cơ khí nông nghiệp sang nhiều nước cho thấy doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế hội nhập.
Trường Hải không phải là điểm sáng hiếm hoi của doanh nghiệp Quảng Nam tham dự vào hội nhập. Ít nhất có 4 hãng tàu quốc tế cập cảng, rời đi đều đặn hàng tuần, kết nối các hãng tàu quốc tế, xuất khẩu khắp thế giới từ cảng Chu Lai.
Trong đó có các mặt hàng chủ lực của Trường Hải và 400 doanh nghiệp xuất khẩu địa phương, bao gồm những container hàng may mặc, giày da, tụ điện và linh kiện sản xuất tụ điện, cuộn cảm biến và nguyên liệu sản xuất cuộn cảm biến, màng phủ và nguyên liệu sản xuất màng phủ PE, máy móc thiết bị, vải mành và nguyên liệu sản xuất vải mành, bàn, ghế, các sản phẩm nội thất bằng gỗ...
Chiều ngược lại, doanh nghiệp Quảng Nam nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất gia công, nguyên liệu sản xuất kim may, ống dây thủy tinh cách nhiệt và hàng tiêu dùng hải sản đông lạnh từ Đức, Italia, Slovakia, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ... Kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD và số thuế thu được từ 4 - 5 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lê Thành Khang - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam nói, doanh nghiệp địa phương đã vượt qua sự khốn khó của tiềm lực, cũng như chuyện hàm lượng công nghệ hàng hóa xuất khẩu thấp, đã bớt dần xuất thô... để ngày có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, hội nhập thị trường quốc tế.
Hun đúc tinh thần doanh nhân
Cơ cấu kinh tế chủ yếu của Quảng Nam vẫn là nền kinh tế tư nhân. Khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GRDP (khoảng 60%). Không tham dự được vào quá trình hội nhập, đưa hàng sang biên giới, thì số lượng doanh nghiệp còn lại lấy thị trường nội địa để cạnh tranh sinh tồn (khoảng 8.500 doanh nghiệp), trở thành động lực chính để đưa nền kinh tế địa phương phát triển.
Việc Quảng Nam tham gia vào trong số ít tỉnh thành đóng góp vào ngân sách trung ương kể từ năm 2017 (từ chuyển ngược ngân sách về trung ương 10% năm 2017 đã lên 18% năm 2022), gia nhập vào câu lạc bộ 20 nghìn tỷ đồng thu ngân sách mỗi năm là câu chuyện “thần kỳ” về nỗ lực phát triển của một tỉnh nghèo sau khi tái lập. Tất cả nhờ vào động năng của sự phát triển, sức chống chịu áp lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Lịch sử kinh thương cho thấy rằng vào những năm đầu của thế kỷ 20, chủ thuyết “Tân Việt Nam” của chí sĩ Phan Châu Trinh đã hun đúc tinh thần doanh nhân Quảng Nam, Việt Nam. Phong trào “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” đã kéo các trí thức, nông dân gia nhập đội ngũ doanh nhân, mở đường đi khai hoang, lập dinh điền, trồng dâu, nuôi tằm, lập các thương hội, lo chuyện “hậu dân sinh” cứu dân khỏi vòng nô lệ.
Những cái tên như hợp thương Diên Phong, hiệp thương công ty Hội An và thương học công ty ở Tiên Phước đã sáng danh trên bản đồ thương giới Việt, ra tận nước ngoài. Nghề dệt phát triển đưa Quảng Nam trở thành cái nôi của các hội buôn. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cùng vài chí sĩ khác đã mở rộng kinh doanh tới tận Phan Thiết bằng một công ty nước mắm Liên Thành.
Tinh thần doanh nhân Quảng Nam nhỏ bé đầu thế kỷ 20 là tinh thần “chấn dân khí” khi đưa ngọn đuốc canh tân vào kinh thương để cứu quốc chứ không đơn thuần chỉ là một sự bươn chải trên thương trường để trục lợi…, đã mang lại bài học mới mẻ cho thương giới Quảng Nam về sau.
Từ vài trăm doanh nghiệp nhỏ bé ở thời điểm tái lập tỉnh, đến nay Quảng Nam đã có gần 10.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam từng nói, hiệp hội ra đời sẽ nâng cao năng lực doanh nghiệp địa phương, từ trình độ quản lý, quản trị điều hành doanh nghiệp đến kết nối cung cầu, liên kết, hợp tác, phát triển, tư vấn tài chính, khơi nguồn vốn...
Hầu như lý tưởng về quốc gia, dân tộc luôn tiềm ẩn trong trái tim cộng đồng doanh nghiệp địa phương, khi nỗ lực cạnh tranh để tìm chỗ đứng trên thương trường. Thực tế, chưa một quốc gia hay vùng miền nào trên thế giới có thể phát triển mà thiếu vắng các nhà công nghiệp hay doanh nghiệp tư nhân trong nước có sức cạnh tranh cao với những sản phẩm làm nên thương hiệu. Sự phát triển của nền kinh tế địa phương hiện tại là minh chứng rõ ràng nhất.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải đã nhiều lần phát biểu trước các diễn đàn doanh nghiệp do Chính phủ hay địa phương tổ chức rằng doanh nghiệp gánh vác sứ mệnh phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp hội nhập, phát triển thông qua sản phẩm, dịch vụ.
Khả năng cạnh tranh, hội nhập thành công khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh và nền kinh tế mạnh. Nếu không thì thế hệ đi sau sẽ rất khó để tiếp nối sự nghiệp. Không gì khác hơn, doanh nhân phải đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, rèn luyện ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước để phát triển doanh nghiệp!