Kinh tế Quảng Nam 5 tháng đầu năm 2023: Đối diện nhiều khó khăn
Chính quyền đang tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đưa nền kinh tế địa phương thoát khỏi cơn suy thoái.
“Vụ mùa” bấp bênh
Báo cáo kinh tế - xã hội trình bày tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 5 vừa qua cho thấy khó khăn bủa vây doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, FDI, nhất là sản xuất công nghiệp giảm sâu và đang trên đà suy yếu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, mục tiêu hàng đầu là không để nền kinh tế suy kiệt. Sẽ phải tìm mọi cách tốt nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm trong thẩm quyền của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Vướng đâu gỡ đó. Không để ách tắc kéo dài.
Quảng Nam “đội sổ” trong 10 địa phương có chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm sâu. Năm tháng qua, IIP giảm đến 33,2% so cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo giảm 36,8% (sản xuất chế biến thực phẩm giảm 13,5%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 50,2%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 88%, sản xuất xe có động cơ giảm 56,4%...).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 1,35 tỷ USD, giảm 31,07%. Kim ngạch xuất khẩu 618,52 triệu USD, giảm 20,57%, chủ yếu sản phẩm may mặc, giày các loại, chíp cảm ứng, kim may dệt, thủy sản đông lạnh, phụ kiện thiết bị vòi nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 736,16 triệu USD, giảm 37,43%, gồm mặt hàng bộ linh kiện, nguyên liệu, máy móc thiết bị của Trường Hải.
Đầu tư công hy vọng sẽ giải cứu tăng trưởng cũng không mang lại kết quả như mong muốn. Vốn tăng gần cả nghìn tỷ đồng so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng tốc độ giải ngân quá chậm. Tính đến 31/5/2023 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 13,5% (15,2% kế hoạch Thủ tướng giao), thấp so với cùng kỳ 2022 (năm 2022 đạt tỷ lệ 16,9%).
Tình trạng doanh nghiệp suy kiệt thể hiện rõ nét khi hết 5 tháng, chỉ cấp phép 8 dự án đầu tư (1 FDI và 7 nội địa). Doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động giảm cả về số lượng lẫn vốn đăng ký (8,64% và vốn đăng ký giảm 11,51%) so cùng kỳ năm 2022, trong khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường (giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động) gia tăng (8,28%).
Bình quân mỗi tháng số doanh nghiệp ra đời và rời bỏ thị trường ngang nhau (150 doanh nghiệp). Niềm tin kinh doanh suy giảm khi chỉ có khoảng 44% doanh nghiệp cho biết sẽ có ý định mở rộng sản xuất, đầu tư, còn lại đều không hy vọng gì về sự thay đổi của thị trường, thậm chí 24% doanh nghiệp còn cho rằng sẽ khó khăn hơn. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử kinh thương của địa phương.
Ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói sản xuất công nghiệp tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh, đặc biệt là các ngành chủ lực như dệt may, đồ gỗ, sản xuất, phân phối điện, sản xuất, lắp ráp ô tô...
Số lượng doanh nghiệp gặp khó về thị trường, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm... Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất khó để duy trì sản xuất, tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Chờ tín hiệu khả quan
Nguy cơ suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng (7,5 – 8%) sẽ trở nên thách thức hơn.
Sở KH-ĐT dự kiến với đà suy giảm kinh tế này, GRDP năm 2023 của tỉnh sẽ giảm 5% (khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 13%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9%). Không thể tăng trưởng dương được; dù khu vực nông nghiệp, dịch vụ tăng song không thể bù đắp mức suy giảm của các ngành khác.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, ngành du lịch không còn cơ chế gì để hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp. Quá nhiều cơ sở lưu trú (từ 3 sao trở xuống) đang rao bán để trả nợ vay đến hạn...
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế không phải chỉ toàn màu xám ảm đạm. Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính nói ngân sách luôn bị động vì phụ thuộc vào Trường Hải. Thu ngân sách hay tăng trưởng không cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều tất yếu, không thể thay đổi được, nhưng không vấn đề gì phải lo ngại khi cho đến giờ thu ngân sách vẫn đáp ứng tiến độ, chưa bị hụt thu (nếu có cũng sẽ ít, dù chỉ có thể tăng 5,5% thay vì 9% như dự định).
Ông Nguyễn Văn Tiếp – Cục trưởng Cục Thuế nói thu ngân sách đảm bảo theo dự toán. Trừ thu từ Trường Hải sụt giảm hay thuế bảo vệ môi trường thì thu từ doanh nghiệp FDI, khu vực tư nhân khá tốt. Điều này cho thấy kinh tế vẫn phát triển, khả quan, không đến nổi ảm đạm như dự báo.
Ông Tiếp mong chính quyền mở vài cuộc họp bàn về thu tiền sử dụng đất (trước 15/6/2023) để có thể lên kế hoạch thu trong 6 tháng còn lại. Có thể mời doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất cam kết trả nợ và làm việc với một số doanh nghiệp trọng điểm để động viên, tháo gỡ khó khăn, đốc thu ngân sách.
Một thông tin đáng chú ý, theo ông Lê Nho Hùng – Cục phó Cục Thống kê, sản lượng ô tô Trường Hải sụt trên 50%, chỉ bằng 58% cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, mới đây trong một phiên họp trực tuyến Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái công bố trong 6 tháng cuối năm sẽ có những hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cụ thể cho doanh nghiệp, nhất là ô tô sẽ có cơ hội phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.
Quyết sách giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo tiền đề cho tăng trưởng chỉ có thể trông đợi từ Trung ương và năng lực thừa hành nhanh chóng từ phía địa phương.
Nếu như các yếu tố địa chính trị thế giới, nhu cầu thị trường, năng lực chống chịu của doanh nghiệp là yếu tố không thể can thiệp được thì việc siết lại kỷ cương công vụ, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay gia tăng tỷ lệ giải ngân... là việc trong tầm tay, không mất tiền, lại dễ thực hiện. Vấn đề là địa phương sẽ vận dụng như thế nào, có thể chắt chiu cơ hội, tạo động lực tăng trưởng lớn nhỏ để đưa nền kinh tế địa phương vượt qua dông tố?