Thế giới chung tay chống ô nhiễm nhựa
(QNO) - Hơn 150 quốc gia cùng hàng triệu người trên toàn cầu tham gia ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay thông qua các hoạt động trực tiếp và trực tuyến nhằm tìm các giải pháp chống lại ô nhiễm nhựa.
Thực trạng rác nhựa
Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), nhân loại sản xuất hơn 430 triệu tấn nhựa hằng năm; 2/3 trong số đó là sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn và sớm trở thành rác thải. Chi phí kinh tế và xã hội do ô nhiễm nhựa dao động 300 - 600 tỷ USD mỗi năm.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết, nhựa góp phần làm trái đất nóng lên, chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019.
Với xu hướng hiện nay, sản lượng nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch hằng năm sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2060 lên 1,2 tỷ tấn trong khi rác thải sẽ vượt quá 1 tỷ tấn.
Bà Inger Andersen - Giám đốc điều hành UNEP khẳng định: "Chúng ta phải từ chối các mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết. Chúng ta phải thiết kế lại các sản phẩm và bao bì để sử dụng ít nhựa hơn cũng như phải đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế... Đây là cách chúng ta loại bỏ rác nhựa ra khỏi hệ sinh thái và trong nền kinh tế. Mọi người đều phải đóng vai trò của mình".
Chung tay chống ô nhiễm nhựa
Hưởng ứng sự kiện năm nay, hàng triệu người khắp nơi trên thế giới tổ chức các hoạt động thiết thực, giới thiệu các giải pháp sáng tạo, dựa vào cộng đồng để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, từ hoạt động dọn sạch bãi biển ở Mumbai (Ấn Độ) đến xưởng may túi vải thân thiện môi trường ở Ghana và các buổi hòa nhạc trực tiếp không rác thải nhựa ở Atlanta (Mỹ).
Tại New York (Mỹ), một dự án nghệ thuật làm hoàn toàn bằng rác thải nhựa ra mắt tại Trung tâm Thương mại thế giới.
Các ngôi sao màn ảnh và nhạc sĩ nổi tiếng tại Ấn Độ cùng nhau tạo ra một video ca nhạc và chia sẻ thông điệp khuyến khích nhiều người hành động chống ô nhiễm nhựa. Nhiều hoạt động làm sạch môi trường diễn ra khắp nơi trên trái đất.
Ngày 2/6 vừa qua, sau gần một tuần đàm phán tại Paris (Pháp), khoảng 170 quốc gia của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ nhất trí xây dựng bản dự thảo đầu tiên vào tháng 11/2023 nhằm hướng tới một thỏa thuận lịch sử về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa vào năm tới.
Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres phát biểu: "Mỗi ngày, tương đương hơn 2.000 xe rác chở đầy nhựa được đổ vào đại dương, sông và hồ. Chúng ta càng sản xuất nhiều nhựa, chúng ta càng đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch, chúng ta càng gây ra khủng hoảng khí hậu tồi tệ hơn".
Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cho rằng, việc nhân loại hướng tới thỏa thuận lịch sử chống rác nhựa là bước đầu tiên đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta cần sự chung tay của tất cả mọi người.
"Cùng nhau, chúng ta hãy định hình một tương lai sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể đánh bại ô nhiễm nhựa" - ông Antonio Guterres nói.
[VIDEO] - Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc nhân ngày Môi trường thế giới năm 2023 (nguồn UN):