Văn nghệ sĩ "về làng"
Thời gian gần đây, việc đi thực tế sáng tác của văn nghệ sĩ Quảng Nam đúng nghĩa “đi thực tế” hơn khi mà họ chọn cách tiếp cận trực tiếp, hòa mình vào cuộc sống, để cảm nhận, suy nghĩ và sáng tác...
Trải nghiệm đa dạng
Để chuẩn bị cho Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28 năm 2023 sẽ diễn ra tại Quảng Ngãi vào tháng 7 tới, từ cuối năm ngoái đến nay, Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam đã hai lần tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tập trung và tạo điều kiện cho nhiều hội viên đi thực tế cá nhân hoặc theo nhóm tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh.
Cách thức đi thực tế của giới nhiếp ảnh khá linh hoạt và chuyên nghiệp: di chuyển bằng ô tô đến khu vực cần khám phá, sau đó cùng nhau thuê xe máy hoặc lội bộ để đi sáng tác.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, với cách đi này, các NSNA có cơ hội tiếp cận và phát hiện được những nét đẹp tiềm ẩn của con người, cảnh vật, nếp sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi họ đến. Đôi khi để có được tác phẩm ưng ý, mọi người phải lưu lại 1 - 2 ngày ở một thôn, xã; hoặc tự mình quay trở lại nơi từng đến thêm vài lần nữa để tìm tòi và sáng tác.
“Nhiếp ảnh nghệ thuật không đơn thuần là nhìn ngắm và chụp. Để có tác phẩm tốt, chúng tôi cũng phải hòa mình vào cuộc sống, nhìn ngắm, tìm kiếm, suy nghĩ, lập ý tưởng rồi mới bấm máy...” - NSNA Đặng Kế Đông nói thêm.
Cuối tháng 4 vừa qua, Chi hội Văn học Quảng Nam đã có chuyến thực tế sáng tác tại Tây Giang. Ngoài việc đến thăm một số danh lam, thắng cảnh, cảnh quan tiêu biểu ở các xã Dang, Lăng và A Xan, các hội viên của Chi hội đã dành phần lớn thời gian để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân sở tại và trực tiếp tham gia trải nghiệm ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống của người Cơ Tu; giao lưu văn hóa, văn nghệ, xem trình diễn cồng chiêng, múa tâng tung da dá... Cái nhìn về cuộc sống của người dân càng trở nên sâu hơn khi trong chuyến đi này, các văn nghệ sĩ đã quyết định nghỉ qua đêm ở làng chứ không phải là khách sạn...
Hay trong chuyến đi do Hội VHNT tỉnh tổ chức tại Tiên Phước và Bắc Trà My dành cho gần 30 hội viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau vừa diễn ra vào giữa cuối tháng 5, mỗi điểm đến đoàn đều lưu lại ít nhất một buổi để các văn nghệ sĩ gặp gỡ, trò chuyện cùng người dân.
Dường như không có “khoảng cách” trong các cuộc tiếp xúc, trò chuyện giữa chủ - người dân, cán bộ sở tại và khách - các văn nghệ sĩ. Cảm nhận về nhau và về cuộc sống ở từng vùng đất cũng trở nên ấm áp hơn khi có được 2 đêm giao lưu văn nghệ “cây nhà lá vườn” giữa văn nghệ sĩ và người dân địa phương nơi các văn nghệ sĩ đến để thâm nhập thực tế.
Nuôi dưỡng và nối dài cảm xúc
Theo nhiều văn nghệ sĩ, những chuyến đi tương đối dài ngày, trực tiếp hòa mình vào cuộc sống tuy có phần vất vả và tốn nhiều thời gian, nhưng cái còn lại ở mỗi người thì đậm và bền. Và đấy chính là chất liệu phục vụ cho công việc sáng tác lâu dài của mỗi người sau này.
Theo một hội viên Chi hội Âm nhạc Quảng Nam tham gia chuyến thực tế sáng tác tại Tiên Phước và Bắc Trà My vừa rồi, so với một số chuyến đi chị từng tham gia trước đây, chuyến đi lần này khá vất vả do thời tiết nắng nóng và lịch trình đi - gặp - giao lưu khá dày.
Tuy nhiên, bù lại, chị đã thu nạp được thêm nhiều chất liệu sống quý giá “để dành” cho công việc sáng tác về sau. Còn theo tiết lộ của họa sĩ Võ Văn Tuấn, ngoài vài bức ký họa, phác họa được thực hiện trong và ngay sau chuyến đi, năng lượng sáng tạo trong anh cũng đang được tái tạo, đầy dần lên.
Các NSNA Đặng Kế Đông, Dương Phú Tâm, Phan Vũ Trọng... thì cho biết đã chụp được khá nhiều ảnh nhưng chưa thật sự ưng ý. Tuy nhiên, điều quan trọng là chuyến đi đã giúp các anh nảy ra một số ý tưởng, đã cho thấy những cái có thể tạo nên những khuôn hình đẹp hơn. Và các NSNA này cho biết là sẽ trở lại những nơi vừa đến ít nhất một lần nữa để sáng tác.
Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, với người cầm bút, sau mỗi chuyến đi thực tế, có những cái có thể viết ngay, nhưng cũng có những cái cần phải có độ lùi thời gian nhất định mới viết được và khi ấy chất liệu chính là những trải nghiệm đã được lưu giữ trong đầu.
Anh đã có nhiều bút ký, tản văn được viết với độ lùi vài ba năm kể từ khi đi thực tế; chưa kể nhiều chi tiết, hình ảnh được ghi nhận trong những chuyến đi từ rất lâu trước đó thỉnh thoảng được anh đưa vào trong các truyện ngắn của mình...
Cũng vậy, với nhà thơ Lê Đức Thịnh, sau nhiều lần đi Tây Giang, những cảm xúc trong anh mới được dưỡng nuôi và ngưng tụ thành những câu thơ đẹp thế này: “...Từng ký tự mở ra - di chuyển giữa những đám mây, đến mép khuất của gió, đến đỉnh núi cao nhất, đến viền sáng cuối cùng của ánh trời/ Nơi tôi viết ra bài thơ từ không gian và sự im lặng/ Trầm mặc vẻ đẹp Tây Giang”.