Thị trường hóa sản phẩm du lịch
Cũng như nhiều sản phẩm kinh tế khác, sản phẩm du lịch cần được thúc đẩy kết nối cung cầu để có thị trường tiêu thụ bền vững, nhất là với các sản phẩm còn mới mẻ với du khách theo định hướng du lịch xanh.
Hạn chế năng lực kết nối thị trường
Làng du lịch cộng đồng Đhơ Rôồng (xã Tà Lu, Đông Giang) đã ngót nghét mười năm tổ chức đón khách du lịch nhưng vẫn chật vật trong việc vận hành. Nguồn khách không ổn định, thị trường đầu ra cho sản phẩm của làng cũng rất bấp bênh.
Bà Ploong Thị Mai - thành viên tổ hợp dệt thổ cẩm làng Đhơ Rôồng chia sẻ, những lao động trong làng chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng từ du khách hoặc người dân địa phương. Từ khi các chuyên gia của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) kết thúc việc hỗ trợ làng thì lượng khách đến đây dần ít hơn, đầu ra của sản phẩm cũng khó khăn hơn.
Hạn chế về năng lực kết nối dẫn đến sản phẩm du lịch hoặc thương mại gắn với du lịch còn rất thụ động trong việc tìm kiếm đầu ra là thực trạng chung của các chủ thể làm du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Không chỉ làng Đhơ Rôồng, khi các tổ chức quốc tế kết thúc dự án hỗ trợ và rút lui, các sản phẩm du lịch gần như “đóng băng” trong việc cải tiến sáng tạo và tìm kiếm thị trường.
Theo ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH du lịch dịch vụ Hoa Hồng, sản phẩm chất lượng ở địa phương không thiếu nhưng vấn đề là nhận diện của du khách còn rất ít, kể cả các sản phẩm đã tiếp thị tại những khu, điểm du lịch thì hàm lượng thông tin cũng rất sơ sài. Việc tương tác giữa chủ thể sản xuất, làm du lịch với nhà cung ứng là chưa nhiều dẫn đến điểm chung giữa thị trường cung cầu chưa gặp nhau.
Một tồn tại lâu nay khiến đầu ra của sản phẩm du lịch địa phương thường ở thế bị động trong việc tiếp cận khách hàng là do Quảng Nam vắng bóng các doanh nghiệp lữ hành lớn. Điều này khiến địa phương rất khó khăn trong việc tự chủ thiết lập các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, làm du lịch mấu chốt vẫn là ở vấn đề về thị trường.
Nếu làm sản phẩm nhưng không bán được thì chắc chắn sản phẩm không thị trường hóa được. Nếu sản phẩm không bán được thì chủ thể du lịch cũng khó tồn tại. Vấn đề ở đây là nhu cầu, sự quan tâm của thị trường là có nhưng chúng ta chưa định vị, kết nối được.
Cần thêm sự kiện kết nối cung cầu
Thời gian qua, tại Quảng Nam bước đầu khởi phát một số sự kiện kích cầu sản phẩm du lịch, nhất là du lịch xanh. Cuối năm 2018, chợ phiên Hội An lần đầu diễn ra và vẫn còn duy trì cho đến nay. Đến năm 2020, tại TP.Hội An hình thành thêm chợ phiên làng chài Tân Thành. Năm 2022, cũng tại Hội An lần đầu tiên diễn ra hội chợ du lịch xanh Quảng Nam.
Các sự kiện trên đều tạo được hiệu ứng tốt định vị và tiếp cận được vào phân khúc thị trường khách hàng tiềm năng, thậm chí như hội chợ du lịch xanh Quảng Nam đã phải thu hẹp bớt quy mô tổ chức (khoảng 80 đơn vị tham gia) dù lượng doanh nghiệp quan tâm rất lớn.
Với hơn 60 đơn vị là “người mua” chưa có hoặc đang tìm kiếm đối tác thúc đẩy du lịch xanh tại địa phương, đây là dư địa lớn mà các bên làm du lịch ở Quảng Nam cần tiếp tục xúc tiến để có kết quả hợp tác cụ thể. Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Hội chợ du lịch xanh Quảng Nam năm 2022 được tổ chức với mong muốn thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh Quảng Nam ra phạm vi toàn quốc trước và từng bước lan tỏa ở tầm quốc tế.
“Chính quyền nên quan tâm thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh thông qua việc thúc đẩy các hội chợ, sự kiện tương tự ngay tại Quảng Nam để tiếp sức chủ thể làm du lịch. Điều này sẽ tạo không gian cho công ty du lịch muốn mua bán sản phẩm du lịch, nhất là du lịch xanh trên cả nước tập trung tại Quảng Nam để tìm hiểu, giao dịch.
Năm 2022, hội chợ du lịch xanh được hưởng chính sách từ Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 nhưng các năm tiếp theo vẫn đang để ngỏ, chưa có kế hoạch, rất cần chính quyền và các ngành chức năng nghiên cứu hỗ trợ để duy trì thường niên” - ông Thủy đề xuất.