Giá điện tại châu Âu xuống mức âm
(QNO) - Trong khi ngành điện tại nhiều quốc gia đối mặt thiếu hụt nguồn cung thì việc chuyển đổi ngoạn mục với năng lượng sạch dồi dào, thậm chí đẩy giá điện xuống mức âm tại một số quốc gia châu Âu gây nhiều chú ý.
Tại Hà Lan, gió mạnh và thời tiết nắng đẹp dẫn đến nguồn cung năng lượng sạch dồi dào, số giờ giá điện âm kỷ lục.
Những ngày gần đây, hàng trăm nghìn hộ gia đình Hà Lan có hợp đồng năng lượng thậm chí còn nhận được tiền cho số điện sử dụng, có lúc 3 cent cho mỗi kilowatt giờ tiêu thụ.
Do đó, để kiếm thêm tiền từ việc gia tăng tiêu thụ điện, nhiều khách hàng tại Hà Lan tăng cường sử dụng điện năng cho các hoạt động như chạy máy sấy hoặc sạc điện cho ô tô...
Truyền thông Hà Lan cho biết, người sử dụng hợp đồng điện có thể tiết kiệm rất nhiều tiền với giá điện âm ở một số thời điểm ban ngày, khi nguồn cung điện trên thị trường dư thừa.
Như vào ngày 30/5 vừa qua, giá điện tại Hà Lan ở mức -185,86 euro/MWh. Hà Lan cũng là quốc gia đầu tiên tại châu Âu có sản lượng năng lượng từ mặt trời vượt qua than đá.
Hay chỉ vài tháng trước đây, Phần Lan than phiền thiếu hụt nguồn cung năng lượng vì lệnh cấm nhập khẩu từ Nga do khủng hoảng Ukraine, giá điện tại Phần Lan nay giảm xuống mức âm nhờ sản xuất dồi dào nguồn cung năng lượng tái tạo trong nước.
Phần Lan báo cáo giá năng lượng giao ngay giảm xuống dưới 0 trước buổi trưa vào cuối tháng 5 vừa qua, với mức thấp kỷ lục -12,92 euro/MWh.
Tại Áo, Bỉ, Pháp, giá điện cũng rớt xuống dưới 0 vào một số thời điểm nhất định.
Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm giá điện chủ yếu do nguồn năng lượng có sẵn dồi dào từ các nguồn tái tạo, kết hợp với nhu cầu năng lượng tương đối thấp.
Giá âm thường xảy ra khi có nguồn cung điện dư thừa trên thị trường, thường xảy ra khi các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện sản xuất một lượng điện lớn vượt quá nhu cầu và không thể lưu trữ để sử dụng sau này.
Trong trường hợp như vậy, các nhà sản xuất có thể đưa ra mức giá âm để khuyến khích người tiêu dùng hoặc các nhà cung cấp điện lấy lượng điện dư thừa ra khỏi lưới điện và tránh làm quá tải hệ thống.
Ông Jukka Ruusunen - Giám đốc điều hành lưới điện Phần Lan Fingrid nói: "Mùa đông năm ngoái, điều duy nhất mọi người có thể nói là lấy thêm điện ở đâu. Bây giờ chúng tôi đang suy nghĩ kỹ về cách hạn chế sản xuất. Chúng tôi đã đi từ thái cực này sang thái cực khác".
Phần Lan đặt mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa các-bon vào năm 2035 và đang thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo, với gió trở thành nguồn năng lượng chính vào năm 2027.
Cuối tháng 3/2023, các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) nhất trí đến năm 2030, EU sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời, góp phần giảm mức phát thải ròng gây hiệu ứng nhà kính 55% vào năm 2030 so với mức ghi nhận năm 1990.
Năm 2022, điện gió và điện mặt trời tạo ra sản lượng điện kỷ lục, chiếm 1/5 (22%) tổng sản lượng điện của EU, lần đầu tiên vượt qua điện khí (20%).