Nam Trà My thiếu người làm việc
Thiếu trầm trọng người làm việc là thực trạng đang diễn ra ở huyện miền núi Nam Trà My. Từ cấp huyện đến cấp xã đều thiếu người làm việc, trường học thiếu giáo viên..., nhưng khối lượng công việc thì không hề ít đi.
Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My được giao biên chế 7 người, nhưng hiện nay chỉ có 4 người đang làm việc. Với đặc thù một ngành gắn với đời sống xã hội, chăm lo chế độ chính sách cho các gia đình có công và rất nhiều đầu việc phải đi cơ sở, nhưng chỉ có 4 người làm việc nên nhiều lúc công việc quá tải.
Ông Đặng Duy Ba - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: “Nhiều huyện đồng bằng, có đủ 6 hoặc 7 biên chế làm việc ở mảng LĐ-TB&XH nhưng quá nhiều việc, không thể làm xuể. Thế nhưng một huyện miền núi như Nam Trà My, địa bàn rất rộng và cách trở mà chỉ có 4 người thì có thể tưởng tượng khối lượng công việc phải đảm đương nặng như thế nào.
Ngành LĐ-TB&XH có hơn 70 đầu việc thường xuyên, chưa kể việc đột xuất. Đi cơ sở thì các xã xa xôi, cách trở, từ huyện đến trung tâm một số xã có khi đi hết nửa ngày, không nói đi đến thôn nóc hay nhà dân để thực hiện các phần việc. Thế nhưng việc tuyển biên chế vào vị trí việc làm của ngành LĐ-TB&XH ở huyện không có người dự tuyển. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng làm việc”.
Ông Lê Đức Hảo - Trưởng phòng Nội vụ huyện thông tin, Nam Trà My hiện nay chỉ tiêu biên chế ngạch công chức là 90 người, nhưng chỉ sử dụng được 73 chỉ tiêu, còn trống 17 chỉ tiêu. Viên chức ngành giáo dục hiện chỉ có khoảng 600 người trên tổng số chỉ tiêu biên chế 800 vị trí. Tình trạng công chức ở miền núi nghỉ việc, chuyển việc về đồng bằng ở Nam Trà My diễn ra hàng năm.
“Như năm 2023, có 1 trường hợp trúng tuyển công chức ở huyện nhưng không đến nhận quyết định, 1 trường hợp đã trúng tuyển, lên làm việc được 3 ngày rồi xin nghỉ luôn. Những trường hợp có nhà ở đồng bằng nhưng làm việc lâu năm trên này rồi cũng tìm đường xin được về quê. Khi họ đi rồi không có người mới thế vào vị trí đó, nên thiếu người làm việc.
Huyện thiếu hụt nguồn nhân lực, đăng ký nhu cầu với tỉnh để tuyển dụng qua các kỳ thi công chức, viên chức giáo dục, nhưng có vị trí thông báo mà không có người dự tuyển, còn có người thi thì không đạt, thậm chí đạt rồi lại bỏ. Vì thế mà huyện luôn trong tình trạng thiếu người làm việc và biên chế còn trống nhiều” - ông Hảo cho biết.
Với Nam Trà My, kể từ khi xã Trà Mai không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn, công chức, giáo viên làm việc ở khu vực này cũng không còn được hưởng chế độ phụ cấp khu vực. Đi từ đồng bằng lên miền núi làm việc, nhưng lương không đủ cho chi tiêu nên tâm lý của nhiều công chức, giáo viên “dao động” cũng là điều khó tránh khỏi.
Như lời ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khi tâm lý công chức, giáo viên đã muốn rời đi thì họ không thể chuyên tâm làm việc. Với người lâu năm đã có sự cống hiến cho huyện, soát xét cũng phải để họ về xuôi, gần gia đình con cái. Với người mới thì chế độ không đủ sức thu hút họ lên miền núi làm việc, nên huyện cũng rơi vào thế tiến thoát lưỡng nan.
Ông Dũng kiến nghị: “Trước mắt để giải quyết tình trạng thiếu công chức, giáo viên đến miền núi làm việc thì tỉnh, Trung ương cần có chế độ đãi ngộ đặc thù nào đó cho khu vực miền núi, để người trẻ có động lực. Về lâu dài, phải có chính sách đào tạo cử tuyển, đào tạo cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.
Cần đào tạo con người tại chỗ thì mới giải quyết được bài toán công chức, viên chức làm việc về lâu dài. Chứ người ở đồng bằng lên làm việc, trước hay sau, sớm hay muộn họ cũng sẽ về, rồi lại loay hoay với bài toán cán bộ, công chức, giáo viên ở miền núi”.