Cạm bẫy tuyển dụng qua mạng tại Indonesia
(QNO) - Cơ quan chức năng Indonesia cảnh báo việc tìm đến mạng xã hội để kiếm cơ hội việc làm khiến nhiều người trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến.
“Tất cả là lỗi của tôi, sự bất cẩn khiến tôi trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến” - Santoso, sinh viên tốt nghiệp ngành Văn học Anh tại Indonesia nói.
Trước đó, vì có ý định tự trả tiền để theo đuổi tấm bằng giáo dục sau đại học chuyên ngành điện ảnh hoặc tìm kiếm thị thực làm việc tại Melbourne (Australia), Santoso đồng ý nhận “công việc hành chính” với mức lương hằng tháng 17 triệu rupee ở khu vực Tam giác vàng của Lào từ tháng 4 đến tháng 11/2022.
Santoso cho biết anh làm việc với tư cách là một kẻ lừa đảo lừa mọi người đầu tư vào kế hoạch tiền điện tử giả mạo của công ty nơi Santoso làm việc.
Santoso phát ốm vì phải làm việc cật lực nhưng buộc phải trả khoản tiền chuộc lên tới 80 triệu rupee (5.374 USD) để trốn thoát, nếu không, tính mạng của Santoso bị đe dọa.
Vì thế, tất cả số tiền tiết kiệm từ công việc của Santoso được chuyển thành tiền chuộc mà ông chủ của Santoso yêu cầu.
Theo ông Yusuf Ardabili - nhân viên trợ giúp pháp lý tại Migrant Care - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người lao động nhập cư Indonesia, số nạn nhân của tin tuyển dụng bất hợp pháp như vậy tăng lên đáng kể trong đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cơ hội việc làm thu hẹp, những lời mời hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao” từ tuyển dụng trực tuyến khiến không ít người trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo tại nhiều quốc gia bao gồm Indonesia.
Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), tỷ lệ thất nghiệp tại Indonesia ở mức 5,86% (tương đương 8,42 triệu người) vào tháng 8/2022.
Do đó, nhiều người bao gồm người thất nghiệp và thiếu việc làm tìm đến mạng xã hội để tìm kiếm cơ hội nhưng không may trở thành nạn nhân tuyển dụng trực tuyến.
Năm ngoái, chỉ riêng Migrant Care nhận được báo cáo gần 200 trường hợp bị dụ dỗ việc làm và phần lớn nạn nhân bị mua bán sang các nước như Lào, Myanmar, Thái Lan, Philippines. Đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Migrant Care cho biết, mức lương do các công ty lừa đảo đưa ra thường gần gấp đôi hoặc gấp ba mức lương tối thiểu vùng tại Indonesia.
Do đó, ông Yusuf Ardabili cảnh báo rằng nhiều tin tuyển dụng trên mạng xã hội có thể là cạm bẫy nếu người tìm việc không cẩn thận hoặc mất cảnh giác.
Các ứng viên thường được yêu cầu nộp đơn xin thị thực du lịch và được thêm vào cuộc trò chuyện nhóm trên ứng dụng như Telegram sau cuộc phỏng vấn.
Nhiều nhà tuyển dụng hứa hẹn cho họ chỗ ăn ở, phương tiện đi lại thuận tiện cùng “việc nhẹ lương cao”. Nhưng thường các nạn nhân không được thông báo về bản chất công việc cho đến khi bắt tay vào làm việc.
Tại Đông Nam Á, Malaysia thông qua Luật Chống tin tức giả mạo vào năm 2018, với mức phạt 500 nghìn ringgit đối với người tạo hoặc lan truyền tin tức sai lệch và phạt tù lên đến 6 năm.
Tương tự, năm 2019, Singapore thông qua Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến (POFMA) với mức phạt 50 nghìn đô la Singapore hoặc 5 năm tù đối với người vi phạm.