Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận 2 dự án luật liên quan đến ngành công an

NGỌC QUYÊN 28/05/2023 10:48

(QNO) - Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tham gia ý kiến về 2 dự án luật này.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thảo luận tại tổ ngày 27.5
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận tại tổ ngày 27/5. Ảnh: N.Q

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án luật này ban hành cần phải đảm bảo sự tương thích với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đối với 2 lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Nhưng việc quy định chỉ huy trưởng, chính ủy bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh mới phong quân hàm đại tá, trong khi Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố (phân loại đơn vị hành chính cấp 1) được phong hàm thiếu tướng, đây là vấn đề bất cập giữa 2 lực lượng này cần phải được nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ.

Theo đại biểu Dương Văn Phước, cần đảm bảo quy trình thực hiện và mức trần hàm cao nhất các chức danh của sĩ quan được biệt phái về làm việc tại các cơ quan của Quốc hội. Vấn đề quy định về hạn tuổi phục vụ của Công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu theo khoản 1 Điều 30 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc đề xuất độ tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với lực lượng công an thường xuyên tiếp xúc với các công tác độc hại, nguy hiểm như pháp y, phòng cháy chữa cháy, khí tài khoa học… để đảm bảo sức khỏe phục vụ công tác.

Về điều kiện thăng tướng tại khoản 4 Điều 22 của dự thảo luật, cần quy định chặt chẽ, thống nhất trong cách hiểu là “còn ít nhất đủ 36 tháng công tác” thay vì “còn ít nhất 3 năm công tác”. Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị xem xét, quan tâm bổ sung tại khoản 4 Điều 25 đối tượng trưởng công an các huyện miền núi, biên giới có cấp bậc hàm cao hơn một bậc theo quy định vì đây là những địa bàn phức tạp, khó khăn, đặc biệt đối với các huyện có hơn 50% đơn vị hành chính cấp xã tiếp giáp biên giới.

Cùng tham gia thảo luận dự thảo luật này, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cấp hàm cao nhất đối với vị trí Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là trung tướng để phù hợp với quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị. Theo đó, 2 chức danh này tương đương với tổng cục trưởng.

Việc sửa đổi khoản 3 Điều 30 cần quy định đầy đủ, cụ thể trong dự thảo luật về hạn tuổi tối đa được kéo dài tuổi phục vụ và cấp có thẩm quyền quyết định; tiếp tục rà soát bổ sung quy định cấp hàm cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân được biệt phái giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội hay biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội.

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) thống nhất việc nâng thời gian tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực tại điểm c, khoản 1 Điều 31 nhưng cần xem xét quyết định nâng thời gian kéo dài thị thực của đối tượng này cho phù hợp với đối tượng cấp thị thực qua điện tử là 90 ngày.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng việc mở rộng cấp thị thực điện tử rất phù hợp với xu thế phát triển chính phủ số, chính phủ điện tử của nước ta hiện nay, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, lại hạn chế các tiêu cực.

NGỌC QUYÊN