Thêm một cây là có rừng cho phố
Phát triển đô thị xanh, thông minh là mục tiêu của TP.Tam Kỳ. Vì vậy bảo vệ và phát triển rừng trong thành phố chính là biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nên những giá trị sống bền vững cho người dân.
Chỉ với diện tích tự nhiên gần 9.400ha nhưng TP.Tam Kỳ đã bố trí gần 9% diện tích để trồng rừng. Điều này nằm trong định hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị sinh thái, điểm du lịch lý tưởng.
Trồng rừng
Chỉ cách tuyến ĐT 616 chưa đầy 100m là rừng thông lâu năm nhất của Tam Kỳ. Khu rừng này được trồng ở địa bàn phường An Phú sau ngày giải phóng, có diện tích 4ha, chủ yếu là thông dầu. Rừng đã được bảo vệ từ hơn 40 năm nay nên phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Minh Việt - nguyên lãnh đạo xã Tam Phú từ sau ngày giải phóng và sau này là phường An Phú, rừng thông được trồng với mục đích ban đầu là trồng cây gây rừng, khai hoang phục hóa theo chủ trương của nhà nước.
“Sau ngày giải phóng, Xí nghiệp giống cây con của Trung ương vào đây để thực hiện dự án trồng rừng, nhân công trồng rừng đều là người dân ở địa phương. Để bảo vệ rừng, chính quyền địa phương đã giao cho dân quân, đoàn thanh niên tuần tra bảo vệ, phát hiện, ngăn chặn không cho bất cứ ai chặt cành nhánh. Nhờ đó mà rừng thông còn cho tới hôm nay” - ông Việt kể.
Không chỉ có rừng thông lâu năm ở phường An Phú mà từ đó đến nay, Tam Kỳ không ngừng mở rộng diện tích trồng rừng. Trong đó phủ xanh những đồi núi trọc, trồng rừng phòng hộ trên đất cát, rừng trên đất ngập nước, quy hoạch trồng lại rừng tạp thành rừng thông và rừng gỗ lớn.
Diện tích rừng hiện nay tập trung ở phường An Phú và các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Ngọc. Tùy điều kiện thổ nhưỡng, thành phố trồng các loại cây phù hợp. Trong đó ở các địa phương vùng cát, thành phố tổ chức trồng rừng phòng hộ với loại cây keo lưỡi liềm ở xã Tam Phú và Tam Thăng, rừng phi lao ở xã biển Tam Thanh. Đây là những loại cây chịu hạn tốt, có tác dụng chắn cát, chắn gió và giữ nước cho đất.
Giữ rừng
Trên diện tích đất quy hoạch trồng rừng, thành phố đã tổ chức trồng cây, sau đó giao toàn bộ diện tích rừng cho địa phương quản lý, bảo vệ. Khu rừng keo lưỡi liềm hơn 20 năm tuổi ở xã Tam Thăng, tập trung ở thôn Tân Thái và Kim Đới, trồng theo dự án passa của Nhật Bản tài trợ, toàn bộ diện tích rừng đã được giao cho Tổ tự quản 5 trong 1 quản lý. Mỗi thôn có khoảng 20 người tình nguyện luân phiên tuần tra, canh gác rừng, kịp thời phòng cháy chữa cháy rừng.
“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân xung quanh rừng không chặt phá lấy củi, không được thắp hương, để rơi tàn lửa trong rừng. Đồng thời thường xuyên đi kiểm tra rừng, phát hiện và dập tắt ngay các đám cháy. Mới đây chúng tôi đã dập tắt 2 đám cháy ngay từ khi mới phát cháy” - anh Nguyễn Xuân Hà, thành viên của Tổ tự quản 5 trong 1 thôn Kim Đới, xã Tam Thăng nói.
Đối với diện tích đồi núi, thành phố đã quy hoạch trồng lại rừng, chủ yếu là trồng thông và cây gỗ lớn, vừa có tác dụng điều hòa không khí vừa hướng tới xây dựng điểm đến du lịch thiên nhiên.
Theo đó, các hộ dân trước đây được giao đất trồng keo lá tràm và các cây tạp khác đã phấn khởi giao lại đất cho nhà nước để trồng lại rừng. Đồi Yên Ngựa ở xã Tam Phú được quy hoạch trồng rừng thông và cây gỗ lớn.
Ngay khi có chủ trương, ông Đinh Văn Dư ở thôn Phú Thạnh (xã Tam Phú) tiên phong giao đất lại cho thành phố trồng rừng. “Trước đây tôi có 12.600m2 đất trồng keo lá vàng tại đồi này. Sau khi có chủ trương của nhà nước, tôi thu hồi cây và bàn giao đất để phủ đồi xanh vững bền cho đời sau” - ông Dư nói.
Hằng năm, UBND thành phố tổ chức nhiều đợt phát động trồng cây tập trung và đã được nhân dân hưởng ứng. Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn thành phố là 800,79ha, trong đó diện tích đất có rừng là 600,92ha. Độ che phủ rừng là 5,56%. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn TP.Tam Kỳ năm 2021 đạt 5,28%, năm 2022 đạt 5,56%.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, quy hoạch chung đô thị Tam Kỳ là hướng đến thủ phủ xanh. Những năm qua, thành phố tập trung phát triển cây xanh trong đô thị và tổ chức phục hồi các hệ sinh thái đất, nước trên các dòng sông.
“Hiện nay, chúng tôi tập trung tổ chức trồng rừng đối với những vùng ở đồi núi. Hy vọng thời gian tới, chúng tôi sẽ phủ xanh toàn bộ đồi núi trên địa bàn bằng những chủng loại cây gỗ quý, gỗ lớn. Ngoài mục đích phủ xanh theo Chương trình 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, thành phố còn trồng các loại cây bảo vệ môi trường, hướng đến phục vụ du lịch, điểm đến rừng trong đô thị” - ông Ảnh cho hay.