Hài hòa thị hiếu các thị trường khách

PHẠM QUỐC 28/05/2023 08:24

Hài hòa được nhu cầu, thị hiếu các thị trường khách với đặc trưng điểm đến là vấn đề quan trọng để phát triển du lịch bền vững.

Vé tham quan Khu phố cổ Hội An có thiết kế khác biệt về mức giá giữa khách nội địa và khách quốc tế dựa trên thị hiếu của 2 thị trường khách. Ảnh: Q.T
Vé tham quan Khu phố cổ Hội An có thiết kế khác biệt về mức giá giữa khách nội địa và khách quốc tế dựa trên thị hiếu của 2 thị trường khách. Ảnh: Q.T

Nắm bắt thị hiếu khách

Trong kế hoạch thu hút và đón khách quốc tế đến Quảng Nam trong giai đoạn mới, rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế là yêu cầu được đặt ra.

Trong đó, để tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế thì việc tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch quốc tế là hết sức quan trọng.

Theo Sở VH-TT&DL, du lịch Quảng Nam hiện có một số thị trường rất tiềm năng như Ấn Độ nhưng lượng khách đi du lịch đơn thuần chưa nhiều mà thường theo dạng kết hợp sự kiện, hội nghị, liên hoan, tiệc cưới… Vì vậy, ngành du lịch địa phương đang tính phối hợp với phía Đà Nẵng để đẩy mạnh khai thác dòng khách này.

Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Hội An Express cho rằng, các chủ thể làm du lịch nên để ý thị trường cần gì ở Quảng Nam. Đơn cử với khách Trung Quốc, trước khi có dịch COVID-19 họ rất quan tâm đến một số điểm đến như làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Cẩm Thanh… nên chúng ta cần xem lại là đã chuẩn bị gì một khi thị trường này bùng nổ trở lại.

“Trong từng thị trường lại có phân khúc cụ thể. Như với nhóm khách trung, cao niên của Trung Quốc thì tập trung vào lữ hành phần nhiều. Nhưng với nhóm khách trẻ thì việc xúc tiến du lịch của địa phương cần gắn kết với các kênh OTA (đại lý du lịch trực tuyến). Cần tập trung quảng bá vào một vài điểm đến mà thị trường khách Trung Quốc họ thật sự chú tâm” - bà Quế Anh nói.

Tại Hội An, ngay ở thời kỳ đầu khai thác du lịch, chính quyền địa phương cũng đã tính toán đến nhu cầu, thị hiếu khách để có gói sản phẩm phù hợp. Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, mức giá khác nhau của vé tham quan khu phố cổ Hội An giữa khách quốc tế và khách nội địa không phải là sự phân biệt mà là dựa trên thị hiếu của thị trường khách.

Qua tìm hiểu thì khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, khám phá nhiều địa điểm trong phố cổ nên ô vé tham quan được thiết kế với mức giá cao hơn (120 nghìn đồng/vé) đi kèm với việc được khám phá nhiều địa điểm, di tích hơn, còn với khách nội địa thì giá vé sẽ phải chăng hơn (80 nghìn đồng/vé) dựa trên nhu cầu của người Việt Nam.

Phải hài hòa với đặc thù điểm đến

Còn nhớ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, điểm đến rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An) đã xảy ra sự xung đột thị trường khách vì thị hiếu của thị trường khách châu Âu và Đông Bắc Á có sự khác biệt. Nắm bắt nhu cầu khách là điều quan trọng để nâng cao sức hút điểm đến nhưng việc phát triển sản phẩm dựa trên thị hiếu du khách cũng cần cân nhắc đến đặc trưng của hệ thống tài nguyên du lịch địa phương.

Giới thiệu sản phẩm điêu khắc từ rễ tre đến du khách.
Giới thiệu sản phẩm điêu khắc từ rễ tre đến du khách.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, lâu nay cũng có ý kiến từ du khách cho rằng khu phố cổ Hội An thiếu vắng các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm mới mẻ nhưng quan điểm của thành phố là không gian này phải dành cho việc khám phá vẻ đẹp di sản chứ không thể tổ chức nhiều dịch vụ, sự kiện tại đây.

Ngay cả việc duy trì đội xe xích lô phục vụ du lịch là bởi có một vài thị trường khách quốc tế khá chuộng sản phẩm này. Dù vậy, trong khoảng 20 năm qua Hội An chỉ duy trì đúng số lượng 50 xe chứ không phát triển thêm, đồng thời thường xuyên tổ chức tập huấn về phương thức hoạt động để bảo đảm hài hòa không gian du lịch.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality Hội An nhận định, thực tế phát triển du lịch tại Quảng Nam và nhất là Hội An cho thấy, đừng nghĩ rằng chờ có thị trường thì chúng ta mới làm sản phẩm mà cần phải định vị chúng ta có gì để tạo ra sức hút với thị trường.

Các chủ thể làm du lịch cần đầu tư vào giá trị trước, chắc chắn thị trường sẽ tìm đến với chúng ta. Thị trường không phải là vấn đề khó mà khó là du lịch chúng ta có gì để bán hay không.

“Triết lý kinh doanh của đơn vị cũng như một số doanh nghiệp tại địa phương là cần tạo ra khoảng trống thị trường để bán những gì chúng ta có, chứ bất chấp theo nhu cầu của khách sẽ khó tạo ra sự bền vững cho điểm đến” - ông Thanh nói.

PHẠM QUỐC