Quảng Nam thiếu nhiều vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi
(QNO) - Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp phải tình trạng thiếu hoặc khan hiếm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), đặc biệt các loại vắc xin dành cho trẻ dưới 1 tuổi.
Thiếu và khan hiếm trên phạm vi toàn tỉnh
Ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn cho biết, từ tháng 1 đến tháng 4, địa phương có 514/ 3.040 trẻ em dưới 1 tuổi tham gia TCMR chiếm 16.9%. Thiếu nhiều nhất vẫn là vắc xin 5 trong 1 - vắc xin phối hợp, phòng được 5 bệnh nguy hiểm gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) cho biết, nhiều lần đưa con đến trạm để tiêm vắc xin nhưng đều được thông báo hết vắc xin, chị đành phải đưa con đến các phòng tiêm chủng dịch vụ. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều phụ huynh có con nhỏ hiện nay, khi phải bỏ ra chi phí không nhỏ để tiêm vắc xin dịch vụ cho con.
Không chỉ Điện Bàn, tất cả địa phương trong tỉnh đều gặp tình trạng tương tự. Một cán bộ y tế tại TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương có đến 2.330 trẻ dưới 1 tuổi nhưng số trẻ tham gia TCMR trong chương trình lại rất thấp. Thậm chí trong tháng 1, hầu như Tam Kỳ chỉ có khoảng hơn 100 liều vắc xin kể cả vắc xin dịch vụ đối với mỗi loại được cấp. Con số này chỉ đáp ứng chưa tới 10% số trẻ trong tháng 1 được tiêm chủng.
Trong khi đó, vai trò quan trọng của Trạm y tế xã, phường vẫn là thực hiện công việc TCMR, nhưng các trạm lại đang "điêu đứng" vì thiếu nhiều vắc xin.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh nói, toàn tỉnh khan hiếm vắc xin trong chương trình TCMR bắt đầu từ tháng 1 đến nay. Trong đó, có nhiều loại vắc xin mới được cấp nhỏ giọt từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều loại hiện vẫn chưa có. Chẳng hạn vắc xin phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (SII) thời điểm này đã hết.
Địa phương gặp khó
Các chuyên gia nhìn nhận, việc thiếu vắc xin trong Chương trình TCMR sẽ làm gián đoạn lịch tiêm, không được bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, dẫn đến dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch giảm. Cùng với đó là nguy cơ bùng phát những dịch bệnh đã có vắc xin.
Ông Trần Văn Kiệm cho biết thêm, việc gián đoạn cung ứng vắc xin và thiếu vắc xin TCMR tại Quảng Nam hiện nay cũng là tình hình chung của cả nước. Liên quan nguồn cung ứng vắc xin, ngày 3/4/2023, Bộ Y tế có văn bản thông báo Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin TCMR, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin.
Bộ này cũng yêu cầu "UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin... theo quy định, phục vụ công tác TCMR và phòng chống dịch, bệnh tại địa phương".
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Y tế, quá trình rà soát các văn bản, nội dung có liên quan đến việc mua sắm vắc xin trong Chương trình TCMR, địa phương gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, từ việc xây dựng giá kế hoạch vắc xin trong Chương trình TCMR, bao gồm giá trúng thầu, giá kê khai sẽ gây khó khăn cho việc trình cấp kinh phí và xây dựng kế hoạch mua sắm vắc xin.
Ngoài ra, quy trình đấu thầu mua sắm thông thường kéo dài nhiều tháng, chưa kể các thủ tục cấp và phê duyệt kinh phí triển khai. Do vậy, nếu Bộ Y tế giao về cho địa phương thì không thể giải quyết sớm tình trạng thiếu vắc xin.
Ngày 23/5, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ và sẽ có báo cáo trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, mong muốn tiếp tục cung ứng vắc xin tập trung. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng khung giá đối với vắc xin nhập khẩu 5 trong 1. Khi có kết quả thực hiện mua sắm, đấu thầu hoặc đàm phán giá theo quy định hiện hành sẽ có giá chính thức, trên cơ sở đó các địa phương ký hợp đồng nhận vắc xin.