Mở "chiến dịch" hỗ trợ doanh nghiệp
“Phải xem đợt hỗ trợ doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm này là “chiến dịch” của UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với tinh thần “nhanh, quyết liệt, không thủ tục rườm rà”.
Cùng “xắn tay áo”
Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh ra đời trên cơ sở Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ nhằm kịp thời rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền cấp tỉnh sẽ kiến nghị các bộ ngành Trung ương, Chính phủ.
Cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì đã thảo luận và bàn bạc cách thức hoạt động.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu nhận định, tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn, từ đó kinh tế của tỉnh cũng không ngoại lệ. Nhiều khó khăn đang phát sinh ở nhiều ngành, lĩnh vực, dự án... làm ảnh hưởng đến DN lẫn người dân, người lao động.
Vì thế mục tiêu từ nay đến cuối năm 2023 phải vào cuộc hỗ trợ DN, chia thành nhóm DN đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nhưng gặp khó khăn do đơn hàng, tài chính, nguyên liệu, lao động; nhóm DN đang triển khai dự án nhưng gặp vướng mắc, khó khăn về đất đai, giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình; nhóm DN đang làm thủ tục đầu tư... Từ đó sẽ lựa chọn nhóm dự án có vướng mắc nổi cộm cần phải đi thực tế khảo sát, giải quyết, và đề xuất hướng giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng đã gọi là Tổ công tác đặc biệt thì làm việc cũng phải nhanh, thuận tiện hơn cách giải quyết thông thường. Trước tiên, cần xác định cụ thể DN đang khó khăn vấn đề gì, khó khăn phải báo thông tin tới đâu, ai là đầu mối tiếp nhận thông tin nhanh nhạy, hiệu quả bằng con đường công nghệ số.
Thế nên, ông Bửu đề nghị trước mắt phải có nhóm zalo hoặc fanpage khớp nối DN theo từng lĩnh vực, ngành, do người có trách nhiệm cao nhất của ngành, lĩnh vực đó phụ trách.
Khi DN đã đề xuất vấn đề khó khăn, vướng mắc thì tất cả thành viên của Tổ công tác đặc biệt phải “xắn tay áo” vào việc, bắt tay ngay vào guồng quay hỗ trợ DN chứ không văn bản lên xuống qua lại, đẩy ngành này hay ngành kia. Và khó khăn cũng không nói chung chung, mà có địa chỉ từng DN cụ thể, khó khăn cụ thể để giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Phải giải quyết theo cách “đặc biệt”
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu việc giải quyết khó khăn cho DN khi tổ công tác vào cuộc phải thực hiện theo cách “đặc biệt”, giải quyết nhanh gọn, trực tiếp, không thủ tục rườm rà.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN phải được xem như là một “chiến dịch”, tương tác nhanh, giải quyết ngay, hiệu quả thể hiện rõ qua phần việc được giải quyết. Việc này phải thực hiện ngay theo tiến độ 10 ngày giải quyết một lần, không để tháng hay quý mới giải quyết, hiệu quả thể hiện rõ bằng kết quả từng tháng.
“Trước tiên, cần sửa ngay quyết định thành viên của Tổ công tác đặc biệt. Tôi làm Tổ trưởng, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ phó, thì thành viên phải là giám đốc các sở, ngành liên quan, là thủ trưởng đơn vị, người chịu trách nhiệm cao nhất về ngành, lĩnh vực đã được UBND tỉnh phân công đảm nhiệm.
Cách thức giải quyết đặc biệt là phải 10 ngày giải quyết một lần các khó khăn của DN, giải quyết ngay tại cuộc họp của tổ công tác, cụ thể từng DN, từng dự án, từng vướng mắc chứ không đợi chờ báo cáo văn bản rườm rà, nên thành viên tổ công tác phải yêu cầu là thủ trưởng sở, ngành.
Vấn đề hàng ngày thì vẫn giải quyết ở các sở, ngành. Chỉ các vấn đề nóng, gây khó khăn cần tổ công tác vào cuộc thì lúc đó mới đưa vấn đề đến cuộc họp giải quyết” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Các thành viên của tổ công tác cho rằng cần dành ưu tiên số 1 cho những DN đang hoạt động, đã có những đóng góp cụ thể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng hiện nay gặp khó khăn, vướng mắc. Sau đó sẽ đến nhóm các DN đang trong quá trình triển khai dự án, nhóm DN đang làm thủ tục đầu tư. DN được chia theo từng lĩnh vực gồm công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, bất động sản, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ngành phụ trách từng lĩnh vực thông tin đến DN trong lĩnh vực phụ trách, lập ngay nhóm zalo do thủ trưởng sở, ngành làm trưởng nhóm, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành vào nhóm để nắm bắt vấn đề, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, khi vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Tổ công tác đặc biệt để thảo luận giải quyết ngay. Khi vấn đề, vướng mắc vượt thẩm quyền của tổ công tác thì sẽ báo cáo Trung ương, và cắt cử người phối hợp trực tiếp với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ kịp thời.
Ngay cả việc tiếp DN hàng tháng cũng cần được đổi mới cách thức thực hiện, không chỉ đợi hàng tháng mới giải quyết mà tiếp cận ngay bằng con đường công nghệ thông tin, trao đổi qua lại để cùng nhau giải quyết, hạn chế tối đa việc đi lại tốn kém thời gian của DN. Chỉ khi vấn đề quá khó không giải quyết được qua con đường trực tuyến, thì mới gặp trực tiếp DN để giải quyết.