55 năm vụ thảm sát Vườn Kiến: Xem xét công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh
Tròn 55 năm kể từ buổi sáng lính Nam Triều Tiên tràn vào Vườn Kiến (nay là khối phố Quảng Hậu, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) giết chết 12 người dân vô tội, nỗi đau thương dường như vẫn chưa thể nguôi ngoai. Việc xem xét công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Vườn Kiến sẽ là nén hương an ủi những linh hồn đã khuất.
Bà Võ Thị Gà (còn gọi là bà Ích, 88 tuổi) cố kìm nén xúc động nhưng giọng vẫn run run khi nhắc về vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra tại Vườn Kiến 55 năm trước, nơi mẹ bà và 11 người khác bị lính Nam Triều Tiên giết chết thảm thương trong căn hầm ngột lửa.
Quyết định 3508 của UBND tỉnh (ngày 5/11/2019) về việc ban hành danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2024 đã thống nhất đưa di tích lịch sử vụ thảm sát Vườn Kiến vào danh mục bảo vệ.
UBND phường Điện Nam Trung cũng đã khoanh vùng bảo vệ khu di tích chu đáo với tổng diện tích 750m2. Vào các dịp lễ, tết hàng năm nơi đây luôn được gia đình người thân các nạn nhân và nhân dân trong vùng đến viếng hương tưởng niệm.
Ngày diễn ra vụ thảm sát, bà Ích đang ở trọ dưới Hội An, ba và anh trai cũng ra Đà Nẵng làm thợ vôi, chỉ có mẹ bà ở nhà một mình. Biết tin mẹ chết thảm nhưng chiến tranh ác liệt anh chị em bà không ai có mặt kịp thời, mãi vài tháng sau mới về thắp hương cho mẹ.
Trong chiến tranh, hầu như nhà nào ở làng quê Quảng Nam đều có hầm tránh bom đạn, chỉ khác nhau là hầm lớn, hầm nhỏ và hầm kiên cố hầm sơ sài.
Ông Nguyễn Đình Thưởng, con trai ông Nguyễn Đình Thiết (Hai Kiến, chủ khu Vườn Kiến) cho biết, căn hầm xảy ra vụ thảm sát được gia đình ông đào chắc chắn và rộng rãi có thể chứa hàng chục người vào trú tránh và ngủ đêm để tránh bom đạn lạc.
Trong vụ thảm sát sáng ngày 6/5/1968 gia đình ông Thưởng mất 5 người thân gồm mẹ, em gái út, cô ruột và 2 cháu cô. Anh em ông Thưởng lúc đó may mắn không sống ở quê.
Ngoài vụ thảm sát 12 người trong căn hầm tại khu Vườn Kiến, cũng tại buổi sáng định mệnh ngày 6/5/1968 còn có 30 nạn nhân ở các vùng lân cận bị giặc thảm sát mang đến tập trung tại Vườn Kiến, tổng cộng có 42 người được tìm thấy sau khi giặc rút đi.
55 năm đã trôi qua nhưng sự kinh hoàng và nỗi đau thương vẫn còn in đậm trong ký ức thân nhân những người bị sát hại cũng như người dân làng Quảng Hậu. Sau giải phóng, gia đình ông Nguyễn Đình Thiết không dựng nhà trên nền cũ mà xây dịch về phía khác của khu vườn, đồng thời lập một khóm nhỏ thờ vong linh các nạn nhân bị thảm sát.
Những năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Đình Thưởng (con trai ông Thiết) từ TP.Hồ Chí Minh về tự bỏ tiền dựng một nhà bia tưởng niệm những người đã mất trong vụ thảm sát. Vào ngày đại giỗ hàng năm (10/4 âm lịch), Vườn Kiến nghi ngút khói hương tưởng nhớ người đã khuất.
Ông Nguyễn Đình Thưởng chia sẻ, gia đình sẽ hiến tặng toàn bộ diện tích đất di tích Vườn Kiến cho Nhà nước quản lý. Đặc biệt, nguyện vọng lớn nhất của ông cũng như thân nhân những người đã mất trong vụ thảm sát Vườn Kiến năm xưa là mong muốn Nhà nước xem xét xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích vụ thảm sát Vườn Kiến nhằm an ủi hương hồn những nạn nhân xấu số, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về những đau thương mất mát mà chiến tranh gây lên.
Phường Điện Nam Trung cũng đang phối hợp với Phòng VH-TT thị xã Điện Bàn tích cực hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích Vườn Kiến, sớm trình các cấp ngành liên quan trong năm 2023.